Mỗi lần nghe mấy câu chuyện thành công của những thiên tài bỏ học như Mark Zukerberg, Bill Gates,… xong chắc hẳn bạn sẽ có một câu hỏi to bự trong đầu là “Đi học làm chi cho khổ, trong khi tự học thì vẫn có thể giỏi?” đúng không?
Thật ra, đúng chính xác là bạn không cần đến trường thì bạn mới giỏi! Bạn hoàn toàn có thể ở nhà, lên google, youtube,… vô vàn kiến thức để bạn tha hồ khám phá. Tuy nhiên, liệu bạn có đủ kỉ luật và kiên trì để thực hiện việc tự học đó trong suốt một thời gian? Hay là nhập vai “thanh niên nghiêm túc” tự học được vài phút rồi lại bị cám dỗ bởi tin nhắn facebook, bởi những bộ phim còn dang dở?
Cho nên, trường học mới được sinh ra để trở thành nơi rèn luyện cho bạn điều đó! Khi bạn trả học phí thì ngoài cơ sở vật chất ra thì còn lại là bạn trả tiền để mua sự kỉ luật từ trường học và để mua kiến thức của những ông thầy, bà cô. Nhưng trái ngang thay là nếu bạn không HỎI thì chả có ma nào thèm trả lời cho bạn. Và những thứ bạn nhai đi nhai lại cuốn sách giáo khoa. Vậy thì ở nhà đắp chăn bật điều hòa đọc sách thôi là đủ, đến trường nắng mưa chi cho cực? Đến trường là để HỌC và để HỎI, mà nếu không HỎI thì nên nghỉ đi là vừa!
Thật dễ thấy một lớp học của sinh viên Việt Nam, chỉ cần 5 phút thầy cô đi ra ngoài là vui như trẩy hội, mà khi nghe câu hỏi “Cả lớp còn ai thắc mắc gì không?…” thì lại im phăng phắc, cúi gầm cái mặt xuống bàn như là sợ ai đó ăn thịt mình vậy. Có lần Ad hỏi vài bạn sinh viên năm 2 cùng trường sao lại nhút nhát ít giơ tay đặt câu hỏi quá vậy thì câu trả lời là:
1/ Với ý nghĩ kiến thức của mình chỉ là một giọt nước trong đại dương bao la, còn thầy cô là người nắm giữ chìa khóa của cả một kho trí thức nên nhiều bạn trẻ tỏ ra lúng túng không dám tranh luận với thầy cô.
2/ Hình như chỉ chờ bạn thốt ra một câu hỏi ngô nghê là cả lớp sẽ quay lưng để so sánh bạn với những đối tượng có chỉ số IQ thấp nhất trên đời?

3/ Không phải cứ hiểu bài, có câu hỏi hay hiên ngang đứng giữa lớp tranh luận với thầy cô là đã được cả lớp thán phục đâu. Rồi sẽ có cả một nghìn lẻ một lời xì xào về chuyện bạn đang tìm cách nổi bật, chơi trội.

4/ Có lẽ để việc đặt câu hỏi, nêu thắc mắc với thầy cô về bài học trở thành một phản xạ trong các bạn học sinh, sinh viên sẽ mất khá nhiều thời gian vì sức ỳ ngày một lớn.
5/ Phương pháp dạy học truyền thống, thầy giảng bài, học sinh cắm cúi ghi chép cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ trở nên thụ động, không biết cách lật lại vấn đề, không chủ động tìm tòi, phát hiện những điều mới mẻ…
…
Toàn là sợ không à, nhưng tất cả chỉ là biện minh cho cái tinh thần học hỏi kém cỏi của mình mà thôi. Quá khó hiểu khi những câu hỏi ngu, những câu trả lời sai,… đối với sinh viên Việt Nam là một sự sỉ nhục thì ở nước ngoài đó lại là điều mà mọi người tranh nhau để có. Và cũng nhờ tranh nhau cái sự “sỉ nhục” đó mà 1 sinh viên người Singapore làm việc tốt bằng 18 sinh viên Việt Nam cộng lại
Nghe có vẻ đau lòng, nhưng nhìn thấy sự thật đó để mà phấn đấu chứ không phải xem cho vui, hay rồi xấu hổ và bỏ qua. Chúng ta thương hay “gào rú” là cần có một sự thay đổi ở giáo dục thì trước mắt bản thân của mỗi bạn sinh viên phải tự thiết kế cho mình một thời sinh viên tuyệt vời đã! Và điều đó không bao giờ xảy ra những ngày tháng bạn nằm dài trên giảng đường chờ hết giờ học mà xảy ra ở những giờ phút trên lớp học sôi động, ngập tràn những câu hỏi.
Hồ Châu Trí