8 kỹ năng mềm quan trọng giúp bạn trẻ tồn tại và thành công

Bạn có đang thấy lo lắng cho tương lai của mình sau khi tốt nghiệp không? Ngày nay, phần lớn doanh nghiệp đều chấp nhận đào tạo chuyên môn cho sinh viên mới tốt nghiệp sau khi nhận vào làm. Nhưng một trong những vấn đề khiến nhà tuyển dụng cân nhắc hoặc từ chối ứng viên đó là sự thiếu hụt về kỹ năng mềm. Ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty VINAPO cho rằng, có đến 90% sinh viên sau khi ra trường hầu như không có kỹ năng mềm.  Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến mỗi năm có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm.

Chính xác, kỹ năng mềm là gì? Kỹ năng mềm là thuộc tính cá nhân liên quan đến đặc điểm tính cách biểu hiện ra ngoài bằng hành vi và cảm xúc. Kỹ năng mềm được thể hiện trong mối quan hệ tương tác xã hội như: học tập, làm việc, lãnh đạo, nghiên cứu,…. Khác với những kỹ năng cứng học qua sách vở, tài liệu liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của một ngành nghề cụ thể, kỹ năng mềm được tích luỹ, rèn luyện trong một thời gian dài và dường như không có giới hạn.

Dưới đây là tổng hợp 8 kỹ năng mềm quan trọng mà các bạn trẻ cần nghiên cứu, trang bị ngay từ sớm cho bản thân.

1. Kỹ năng tự học

Tự học là một kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng đối với các bạn sinh viên. Ngay từ khi bước vào cổng trường đại học, bạn đã phải thay đổi phương pháp học từ bị động sang chủ động. Thay vì giáo viên đọc chép thì bạn phải tự hoàn thành những chủ đề, khoá luận giảng viên giao cho. Đồng thời, sinh viên cũng cần biết các lựa lọc tài liệu phù hợp với nội dung học tập.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ năng tự học còn giúp bạn có một khởi đầu dễ dàng hơn ở những doanh nghiệp hay ngành nghề không đúng với ngành học. Tự học từ đồng nghiệp, từ quản lý hay từ chính những lỗi sai trong thời gian thử việc sẽ giúp bạn nhanh chóng có một nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc.

2. Kỹ năng giao tiếp & ứng xử

Ky Nang Mem quan trọng
Kỹ năng giao tiếp sẽ quyết định thành công của bạn

 

Dù có ở nhà hay ở công ty, đi học hay đi làm thì kỹ năng giao tiếp của bạn cũng cần phải hoàn thiện. Giao tiếp ngôn ngữ và văn bản là hai yếu tố quan trọng đối với bất kỳ cá nhân nào trong thời đại hiện nay. Kỹ năng giao tiếp cũng như một bảng màu, nếu bạn sử dụng bản màu thành thục thì bức tranh cá nhân của bạn mới đẹp trong mắt người đối diện.

Nhiều người nghĩ rằng giao tiếp là bản năng, chúng ta không phải học hay rèn luyện. Vì vậy họ vô cùng chủ quan khi giao tiếp, không chú trọng trong việc tạo thiện cảm thậm chí còn để rất nhiều thói quen xấu làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong giao tiếp. Dẫn đến những tình huống mâu thuẫn, xung đột không đáng có, mình nói rất nhiều nhưng người khác không hiểu ý, những điều mình nghĩ trong lòng và những điều nói ra miệng không trùng khớp với nhau…

(Cách để giúp bạn chia sẻ thu hút hơn | Nguyễn Hữu Trí Start early)

 

Trong gia đình, bạn phải giao tiếp khéo léo với người thân, đặc biệt là những thế hệ trước. Khi làm đội nhóm, bất kỳ một lời nói vô ý nào cũng có thể khiến xung đột nhóm xảy ra. Và kết quả, cả đội sẽ không hợp tác, chất lượng công việc đi xuống. Khi chăm sóc khách hàng hay làm việc với đối tác, giao tiếp không chuẩn mực sẽ khiến bạn đánh mất cơ hội thăng tiến trong công việc hay thậm chí gây ra những ảnh hưởng xấu đến công ty.

Bạn cũng cần nắm rõ những quy tắc trong giao tiếp để có thể vận dụng một cách linh hoạt trong từng hoàn cảnh. Giao tiếp trong đội nhóm sẽ khác giao tiếp với khách hàng, giao tiếp trong buổi phỏng vấn công việc sẽ khác với giao tiếp hợp tác thương mại.

Có thể bạn quan tâm:

3. Kỹ năng thuyết trình, nói trước công chúng

Hầu hết, ai trong chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc bối rối khi đứng trên sân khấu để trình bày một chủ đề. Và đó chính là khoảnh khắc bạn nhân ra: kỹ năng thuyết trình thật là quan trọng.

Thực ra, chúng ta đã làm quen với việc nói trước công chúng từ khi còn học lớp 1. Cô giáo đặt câu hỏi và bạn xung phong trả lời. Đó là thời khắc đầu tiên bạn phải thuyết phục cô giáo và cả lớp rằng câu hỏi của bạn là chính xác. Rồi khi bước vào môi trường đại học, bạn trình bày những nghiên cứu vi mô và trình diễn trước giảng đường với sự chứng kiến của hàng trăm sinh viên khác. Đôi khi là thuyết trình bằng ngôn ngữ khác, tiếng Anh chẳng hạn. Bạn lại tiếp tục sử dụng kỹ năng thuyết trình với ban quản lý, ban giám đốc ở công ty mới để có thể nhận dự án công ty giao phó.

Thuyết trình là một nhánh của kỹ năng giao tiếp thường nhật, khi mà diễn giả không chỉ truyền đạt thông điệp và lắng nghe hiệu quả. Thuyết trình hay là phải tạo ra một niềm tin lớn, phải tạo sự thu hút cùng lúc với hàng trăm người nghe, hàng trăm tính cách và quan điểm khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng cần kết hợp những kỹ năng khác như: hài hước, sự tự tin hay khả năng quan sát.

Tìm hiểu thêm: Khoá học Public Speaking – Bí quyết cải thiện khả năng thuyết trình nhanh chóng

4. Kỹ năng lắng nghe 

Ky nang mem cho sinh vien
Kỹ năng lắng nghe nên được vận dụng thường xuyên

 

Có một câu nói rất nổi tiếng: Bước thứ nhất để đạt tới sự thông thái là im lặng. thứ hai là biết lắng nghe người khác nói.

Lắng nghe là một trong 8 kỹ năng mềm trong cuộc sống bạn cần phải cải thiện và làm chủ trong giao tiếp. Bản chất của giao tiếp là sự trao đổi thông tin giữa hai hoặc nhiều đối tượng. Và nếu bạn hoàn toàn lấn án người đối diện, thì đây chính là giao tiếp một chiều. Đối phương sẽ không cảm thấy được tôn trọng, né tránh cuộc nói chuyện hay thậm chí là có thành kiến với bạn.

Nếu không lắng nghe tốt, bạn sẽ không hiểu đúng thông điệp của người đối diện, đưa ra những câu trả lời hay thông tin sai lệch. Nếu không lắng nghe và quan sát tốt, bạn sẽ không nắm bắt được tâm lý của một khách hàng và mãi không bán được dịch vụ cho họ.

Một trong những yếu tố để giúp bạn lắng nghe tốt đó chính là “giao tiếp bằng mắt”. Mỗi khi lắng nghe, hãy tập trung vào đối phương, tạo cảm giác thân thiện và tin tưởng. Người đối diện sẽ chẳng ngần ngại chia sẻ những bí mật, hay suy tư của họ.

5. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Nếu bạn đã từng thử tìm kiếm một bản CV mẫu khi tìm việc thì bạn sẽ thấy có một mục mà bản CV mẫu nào cũng thể hiện: Kỹ năng giải quyết vấn đề. Hay trong các buổi phỏng vấn, bạn sẽ được đặt vào những tình huống khó và được yêu cầu đưa ra phương án giải quyết.

Tại sao ứng viên nào cũng muốn trình diện kỹ năng này cho nhà tuyển dụng thấy trong CV, tại sao nó lại quan trọng đến vậy. Trong các doanh nghiệp đều có những quy tắc để tất cả các nhân viên, bộ phận tuân thủ và quá trình vận hành diễn ra suôn sẻ. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng vậy. Sự cố, xung đột, bất đồng là những thứ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Với kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, bạn có thể tự tin đương đầu với mọi tình huống phát sinh. Kỹ năng mềm này không chỉ được trọng dụng trong mội trường công việc mà còn rất hữu ích trong các lĩnh vực khác của cuộc sống như xây dựng mối quan hệ và ra quyết định hàng ngày.

Có nhiều quan niệm nhưng nhìn chung một người có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt có thể xác định được vấn đề, hạn chế mức độ ảnh hưởng của vấn đề, đưa ra quyết định hợp lý và tiến hành xử lý một cách hiệu quả.

6. Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc

Việc lập kế hoạch công việc là hết sức cần thiết của mỗi cá nhân và tổ chức. Hàng ngày, bạn có tự xây dựng kế hoạch cá nhân hoặc một danh sách những việc cần làm và theo dõi chúng không? Phần lớn chúng ta đều cho rằng lên kế hoạch là công việc thừa thãi, mọi thứ đã sẵn có trong đầu và trí nhớ của tôi cực kỳ tốt. Nhưng đó là suy nghĩ đánh lừa bản thân, bởi vì bạn sẽ thả trôi công việc vào trạng thái: lúc nào xong cũng được. Kết quả là một ngày trôi qua cho đến khi lên giường đi ngủ bạn lại có một suy nghĩ hối hận: Mình làm cái gì hôm nay nhỉ?

Những người đánh giá thấp việc lập kế hoạch thường là học sinh, sinh viên hay những cá nhân chưa đi làm. Bởi vì dù có chậm thời hạn hay không hoàn thành mục tiêu đề ra thì họ cũng chẳng bị ảnh hưởng gì cả. Mọi thứ sẽ dần hiện rõ khi bạn bắt đầu đi kiếm sống, sếp giao việc, đồng nghiệp đốc thúc. Chỉ cần 3 lần trễ thời hạn của một dự án, hay một báo cáo thì khả năng bạn mất công việc, mất mức lương thưởng rất cao.

Lập kế hoạch tốt giúp bạn đánh giá được sự quan trọng của từng đầu việc, kết quả cần thiết khi bạn hoàn thành công việc đó là gì. Giúp bạn theo dõi tiến độ làm việc và duy trì một áp lực ngầm cho chính bản thân để hoàn thành công việc đó. Lập kế hoạch giúp bạn có tư duy hệ thống, rõ ràng hơn thay vì quẩn quanh và không biết mình đang làm gì. Xa hơn, lập kế hoạch giúp bạn đạt được những dấu mốc và bước tiến lớn trong cuộc sống và sự nghiệp.

Giáo sư, tiến sĩ Davis J.Schwartz, từng chia sẻ rằng: “Nếu chúng ta xây dựng kế hoạch cho tương lai tức là cuộc sống của chúng ta là có mục đích. Cuộc đời bạn sẽ là cuộc đời của kẻ hành khách, nếu trong tay bạn chẳng có một kế hoạch gì”. Chính vì thế,  việc bạn lập kế hoạch cho công việc và cuộc sống trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

7. Kỹ năng làm việc nhóm 

Ky Nang Mem Trong Cuoc Song
Kỹ năng làm việc nhóm có thể tạo ra những kết quả kinh ngạc

 

Nếu bạn có thể hoàn thành bài thuyết trình một mình, xử lý một dự án một mình hay vận hành một doanh nghiệp một mình, thì đừng quan tâm đến kỹ năng làm việc nhóm.

Được đánh giá là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trong bất cứ tổ chức nào, kỹ năng làm việc nhóm là thứ vũ khí bạn buộc phải có. Kỹ năng làm việc nhóm có thể hiểu 1 cách đơn giản là nhiều người cùng nhau kết hợp các ưu điểm của mình để thực tốt một nhiệm vụ hướng tới một mục tiêu chung. Cách làm việc này sẽ giúp các cá nhân bổ sung những thiếu sót cho nhau và hoàn thiện bản thân mình. Để công việc của nhóm đạt kết quả cao nhất, các thành viên phải có kỹ năng làm việc nhóm thuần thục.

Để kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, bạn cần phải thành thục cả 6 kỹ năng mềm đề cập bên trên. Bạn cần phải lập kế hoạch, ưu tiên công việc cho cả nhóm; bạn cần phải giao tiếp hiệu quả để các thành viên đều hiểu và nắm được mục tiêu chung; bạn cần thuyết phục họ tin và hành động theo bạn; bạn cần lắng nghe những phản hồi tư các thành viên; bạn cũng phải sẵn sàng xử lý những xung đột trong quá trình làm việc nhóm.

Trên thực tế, có những công ty thành công chỉ với vài thành viên đã cho thấy sức mạnh của làm việc nhóm. Tháng 9, 2006, The Facebook được sáng lập và vận hành chính bởi 4 sinh viên đã đạt giá trị 2 tỷ USD và từ chối lời mua lại trị giá 750 triệu USD.

8. Kỹ năng đàm phán

Một nhân viên xuất sắc là người biết tối đa hoá lợi nhuận cho doanh nghiệp. Kỹ năng mềm cuối cùng mà mình cho rằng các bạn trẻ nên trang bị đó chính là kỹ năng đàm phán. Đàm phán chính là khả năng tranh luận, thoả thuận để tối ưu mức quyền lợi hay tạo ra thuận lợi cho bản thân hay doanh nghiệ, tổ chức.

Đây cũng là một trong những kỹ năng khó nhất mà ít cá nhân nào có thể thành thục được. Ví dụ, bạn cần đàm phán với công ty về một mức lương hậu hĩnh nếu bạn nhận lời làm việc. Kỹ năng đàm phán không chỉ cần sự rèn luyện mà còn cần vốn kiến thức sâu rộng và trải nghiệm. Chính vì vậy, nếu hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng mềm này và có kế hoạch để phát triển thì bạn sẽ nhanh chóng thuần thục với nó.

Ngoài 8 kỹ năng mềm quan trọng được đề cập trong bài, còn rất nhiều kỹ năng mềm khác mà mỗi người trẻ chúng ta cần nắm chắc và vận dụng linh hoạt. Sự phát triển của công nghệ, tái cấu trúc nhân sự vì bị các quy trình tự động hoá thay thế. Kỹ năng mềm chính là thứ khiến bạn có giá trị hơn hệ thống robot.

Share:

More Posts

Send Us A Message