Bốn năm trước, cả thế giới đã từng cười nhạo khi Steve Jobs tuyên bố Apple sẽ cho ra đời một sản phẩm to gấp 4 lần, mỏng bằng 1 nửa chiếc iPhone và không nghe gọi được!
Một tháng sau, không một lời phàn nàn nào có thể vượt qua nổi sự thành công của nó với doanh thu 1 triệu sản phẩm được bán ra. Đó chính là iPad.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện trên chặng hành trình “Think different” của Apple. Các thế hệ Apple II (1977) – iMac (1998) – iBoook (1999) – iPod (2001) – iPhone (2007) – iPad (2010) – Macbook Air (2010) lần lượt ra đời và dần “chết” đi, do đâu?
iPod có phải “chết” vì có sản phẩm nghe nhạc khác hiện đại hơn? Có thể thấy, doanh thu và tỉ trọng doanh thu của iPod giảm đều qua các năm mặc dù giá của 1 chiếc iPod đã sụt giảm mạnh từ 499 USD (giá lịch sử vào năm 2002) xuống còn 49 USD (dòng iPod shuffle) trở thành dòng iPod rẻ nhất.
Nếu chúng ta thật sự để ý, thì chính thời điểm iPod sụt giảm về cả doanh thu và sức ảnh hưởng cũng là thời điểm iPhone ra đời và thịnh hành. Một lượng lớn người dùng iPod và người chưa có máy nghe nhạc chuyển sang dùng/mua mới iPhone chứ không mua máy nghe nhạc mới.
Có thể nói, chính Steve Jobs đã “tự tay giết chết iPod.”
Tương tự như vậy, thời điểm Macbook Air ra đời cũng là thời điểm Macbook Pro bắt đầu suy yếu. Chẳng nói đâu xa, ở công ty tôi hầu hết những ai xài Macbook đều bán Pro chuyển qua Air, ai mua mới đều mua thẳng Air luôn.
Thời điểm thịnh hành của iPhone, iPad ra đời và tạo ra một cú hích lớn.
Apple đã bán được 300.000 iPad 1 trong ngày đầu tiên và 2 triệu máy trong vòng chưa đầy 2 tháng. Một con số rất ấn tượng dù iPad 1 là một sản phẩm hoàn toàn mới lạ với kích thước cồng kềnh, có lẽ hệ điều hành iOS và tầm ảnh hưởng của Apple đã góp một phần không nhỏ vào doanh số của chiếc iPad đầu tiên này.
Năm 2011, Apple mất đi người cha đẻ Steve Jobs. Khi mà mỗi sản phẩm ra đời từ ngày đầu đều xuất phát từ ý tưởng và nỗ lực không ngừng nghỉ của ông. Khi Steve Jobs rời khỏi Apple cho đến khi ông quay lại, không một sản phẩm mới nào được tạo ra ngoài các phiên bản Apple IIc, IIgs.
Và khi ông ra đi, “đứa con” Apple dưới sự dẫn dắt của Tim Cook lại đi vào lối xưa – nhưng với doanh thu ngoạn mục.
Bốn năm (2011-2015) Apple tập trung nâng cấp 4 sản phẩm nòng cốt: iPhone, iPad, Macbook và iPod phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại thay vì sáng tạo, khác biệt và dẫn dắt thị trường.
Theo số liệu Q4/2014, mặc dù có khá nhiều sự chỉ trích về sản phẩm iPhone ngày càng “to và béo hơn”, nhu cầu iPhone 6 tăng vọt giúp Apple đạt 41,1 tỉ USD, tăng 12,26% so với cùng kì năm trước.
Kết quả kinh doanh của Macbook cũng không kém cạnh khi số lượng máy bán ra là 5,5 triệu bản, tăng 25% so với năm trước đem về doanh thu 6,6 tỉ USD (Apple Inc.)
Apple đã thu được rất nhiều lợi nhuận, nhưng rồi có bền vững khi sự sáng tạo không còn được thể hiện mạnh mẽ qua các sản phẩm mới của Apple như trước, không có dấu hiệu của việc phát triển sản phẩm mới như thời của Steve Jobs.
Khi mà giờ đây, những gì người ta thấy trong mỗi buổi ra mắt sản phẩm là một sản phẩm Apple tốt hơn chứ không còn là một sản phẩm khác biệt.
Và giờ đây, rất nhiều người đang háo hức/hồi hộp chờ ngày lên kệ iPhone 6S ngày 9/9. Liệu Tim Cook có tìm lại được tinh thần “phủ định chính mình” của Apple ngày xưa hay là nỗ lực theo đuổi doanh thu trước khi hoàng hôn buông xuống?