Vào thời điểm này cách đây 4 năm, tôi đang ở trong tâm trạng thất vọng, chán nản vì trượt nguyện vọng 1 đại học. Đó là một cú shock lớn đối với tôi. Mọi hình dung, tưởng tượng trước đây của tôi về cuộc đời sinh viên đều tan biến.
Tôi đã từng nghĩ và ước giá như có thể làm lại, cố gắng hơn, chăm chỉ hơn, và giá như may mắn hơn để được vào ngôi trường mà tôi đã đặt kỳ vọng. Nhưng đến thời điểm này, tôi tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có ý nghĩa. Và như Steve Jobs từng nói,
“có thể bạn không nhìn ra, nhưng khi nhìn lại, mọi thứ đều rất rõ ràng.”
Và tôi đang nhìn lại, ở chính hội trường này, 4 năm trước đây. Vào ngày giới thiệu khoa, thầy trưởng khoa Nghiêm Văn Lợi đã nói một câu khiến cho tôi vô cùng ấn tượng và ghi nhớ: “Nếu học để trở thành người ghi sổ (book keeper) các em chỉ cần mất 2 tháng. Nhưng các em có mặt tại đây để học suốt 4 năm là để trở thành những nhà kế toán “accountant”. Trường của chúng ta là một ngôi trường ít danh tiếng, nhưng bù lại các em có một bộ giáo trình tốt, bắt kịp xu hướng thế giới. Phần còn lại phụ thuộc vào sự cố gắng của các em.” Chính những lời nói đó của thầy đã khiến tôi nhận ra rằng: không phải ngôi trường mang lại danh tiếng cho bạn, mà chính bản thân bạn, mới là người làm nên danh tiếng ngôi trường và mang lại vinh quang cho chính mình.
Cách đây không lâu, khi tôi vượt qua gần 300 thí sinh đến từ các trường ĐH ở Hà Nội để lọt vào top 5 cuộc thi hùng biện Socrates do trường Đại học Luật tổ chức, nhiều người đã không còn có thể nói rằng sinh viên ĐH LĐXH không năng động.
Cũng cách đây không lâu, khi nhiều người bạn cùng khóa với tôi vượt qua các đối thủ nặng kí để trúng tuyển vào các công ty danh tiếng với thu nhập cao ngay trong thời gian thực tập, nhiều người cũng không còn có thể nói rằng sinh viên ĐH LĐXH thua kém về trí tuệ và tài năng.
Tôi biết rằng không ít sinh viên trong số các bạn cũng đã từng mang những tâm lý mặc cảm tự ti như tôi. Nhưng tôi tin rằng các bạn có thể tự hào, vì chúng ta đã có được những thầy cô tuyệt vời.
Cô giáo dạy môn Hành chính sự nghiệp của tôi, mỗi khi kết thúc môn học ở bất kỳ lớp nào, đều nhờ học trò ghi lại những nhận xét, góp ý vào những mẩu giấy nhỏ; từ đó sửa đổi, rút kinh nghiệm để có thể hoàn thiện hơn trong nghề.
Thầy trưởng khoa của tôi, vì dồn trút tâm huyết và công sức vào việc xây dựng bộ giáo trình chất lượng cho khoa, mà bị suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe.
Các thầy cô đã cho tôi những kiến thức quý giá về nghề nghiệp, nhưng quan trọng hơn, các thầy cô đã cho tôi niềm tin về sự tử tế, chỉn chu trong từng công việc. Các thầy cô đã cho tôi hiểu rằng: không có công việc nào là tầm thường, không có con người nào là nhỏ bé. Khi chúng ta có thể làm những việc nhỏ bé với sự tử tế vĩ đại, là chúng ta đã làm được những việc vĩ đại.
Và với những gương mặt hân hoan, sáng sủa, đang háo hức được nhận tấm bằng cử nhân ở dưới kia, tôi tin rằng các thầy cô giáo đã làm được một việc vĩ đại.
Các bạn sinh viên thân mến, cũng giống như các bạn, ngày hôm nay là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của tôi. Và có lẽ cũng giống như nhiều bạn, tôi đang cảm thấy có chút lo lắng cho tương lai. Ngày ngày, báo chí đăng đầy những thông tin về thất nghiệp, về những tiêu cực, bất ổn trong xã hội. Toàn là những thông tin mà tôi nghĩ rằng, có thể làm nản lòng những sinh viên mới ra trường như chúng ta.
Nhưng chính những lúc như thế này, là những lúc mà tôi thấy được bài học giá trị nhất mà tôi đã học được sau 4 năm ở trường: đó chính là bài học về sự tự tin, về sự tử tế mà các thầy cô đã truyền dạy.
“Xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt tối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.”
Đó là những lời mà Lincoln đã gửi gắm trong bức thư gửi cho thầy giáo của con trai, là điều mà tôi học được từ các thầy cô, và cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm đến tất cả các bạn.
Trong “ba phút sự thật” của Phùng Quán, nhà văn đã nói rằng:”cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ”. Trước khi lên đây, tôi đã được nhắc là sẽ có 3 phút để phát biểu. Có lẽ vì tôi chưa giỏi diễn đạt như một nhà văn, nên bây giờ đã quá 3 phút. Nhưng điều tôi muốn nói, là những phút vừa rồi đều là những phút của sự thật. Và nếu được, tôi mong muốn có thể nói không phải là 3 phút, mà là 30 phút.
Hôm nay, thật may mắn cho tôi khi được đại diện cho hơn 500 tân cử nhân khoa Kế toán phát biểu trong buổi lễ kế giảng. Tôi xin thay mặt các bạn sinh viên gửi lời chúc sức khỏe, thành công và lời cảm ơn chân thành tới các quý vị đại biểu, các thầy, cô giáo đã có mặt trong buổi lễ hôm nay.
Lời cuối, tôi xin gửi gắm một lần nữa tới các bạn sinh viên“phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân, bởi vì khi đó, bạn sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại”.
Bài phát biểu này là những tâm sự chân thật và ấp ủ của tôi; được biên tập lại bởi một người (đã từng) là nguời thân. Nhưng sau bao dồn trút và gọt giũa, nó vẫn không được đọc lên trước buổi lễ tốt nghiệp. Những tâm tư của tôi đã không thể vượt qua vòng “kiểm duyệt” của phòng Công tác sinh viên vì lý do “không phù hợp, không chuẩn chỉnh”. Tôi được đưa cho một bài phát biểu in sẵn, với những ngôn từ và ý tứ đã đóng rêu…nhưng “chuẩn chỉnh và phù hợp”. Và giữa việc phải “đọc” một bài viết cóp nhặt và “phát biểu” những suy nghĩ thật của mình, tôi đã chọn cách thứ hai.
Một năm sau đó, thấy FB tràn ngập ảnh tốt nghiệp của các em mình, tôi lại nghĩ về tuổi trẻ của mình, về những giấc mơ chưa từng được ngủ yên. Đã có những lúc – hoặc những thời điểm, những giai đoạn tôi thấy vai mình vỡ vụn vì luôn phải gồng lên gánh những áp lực, những cái danh, cái mác. Đã có lúc tôi tin rằng mình được sinh ra, cơ bản là để thực hiện tất cả những gì mọi người đã ko thể thực hiện, là để gánh những gì mọi người ko thể gánh, là để đỡ những người có thể không tự đi được bằng chính đôi chân của mình. Để rồi cái người luôn tôn sùng sự thật và chân thành lại đi tự ghê tởm chính bản thân vì đã tự lừa dối bản thân?
“Suốt tuổi trưởng thành, em cứ mải mê đi tìm những giá trị. Miệt mài tìm và nhận lấy rất nhiều tan vỡ. Rốt cục vẫn không thể trả lời cho mình một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản: “Cuối cùng, điều gì là quan trọng nhất?”’. Trưởng thành là một quá trình mất mát. Mất mát những ước mơ thơ dại, mất mát những giá trị tinh thần và đạo đức,… nhưng đáng sợ nhất là mất mát niềm tin.“
Đi qua những đau thương, đứa trẻ mỏi mệt trong tôi đã có lúc tưởng như chẳng còn có thể tin vào bất cứ điều gì nữa. Ấy thế mà cái sự ngây thơ cố hữu nó vẫn cứ tiếp tục làm mờ mắt, nó thúc giục mình tiếp tục TIN TƯỞNG VÀ YÊU THƯƠNG.
Ngày không còn dài, và tôi cũng không còn buồn nữa.
Bởi mọi việc sinh ra đều có lý do của nó. Và nếu ta biêt rằng mình không thể thay đổi, thì hãy học cách xả bỏ hoặc chấp nhận. Vì chẳng biết ngày mai cuộc đời có còn mình nữa không, vậy nên, hãy để mọi thứ trôi qua trong nhẹ nhàng, thanh thản.
Tác giả: Thanh Dung