Kỹ năng thuyết trình chỉ sử dụng khi phải thuyết trình? Đó là suy nghĩ rất sai lầm của nhiều bạn trẻ tại giảng đường cũng như đã đi làm. Kỹ năng thuyết trình xuất hiện trong mọi mặt của đời sống. Đó là tự tin phát biểu suy nghĩ của bản thân trong cuộc sống hằng ngày, mạnh dạn đóng góp ý kiến trong những buổi họp nhóm… và hơn tất cả, đó chính là dấu hiệu để nhận biết một người có được người khác xem trọng hay không.
Tại sao phải sở hữu kỹ năng thuyết trình?
Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao trong các nhóm mình tham gia ở trường, bạn đều nhận những công việc như thu thập số liệu, tài liệu, làm bảng biểu, làm slide thuyết trình, chuẩn bị hậu cần, in tài liệu, phát cho mọi người,… tất cả những công việc hậu cần tủn mủn, vụn vặt,…? Nhưng nếu được phân công nhiệm vụ đứng lên trình trước toàn khoa, bạn có dám nhận? Bạn sợ! Đó là bởi vì bạn luôn im lặng trong các buổi làm việc nhóm hoặc không thể diễn đạt hoàn chỉnh suy nghĩ của bản thân. Người khác sẽ không lắng nghe và đánh giá cao ý kiến của bạn, cho dù điều đó đúng.
Hay nếu bạn là một nhân viên có nhiều ý tưởng hay thú vị trong công ty nhưng đến khi thuyết trình trước cấp trên bạn lại lúng túng, không diễn đạt được đầy đủ ý tưởng cho mọi người hiểu được thì khó có thể thành công được. Điều đó thật đáng tiếc phải không?

Bí quyết cải thiện kỹ năng thuyết trình ai cũng áp dụng ngay được
Nếu muốn trở thành một con người có tiếng nói hơn trong học hành, trong công việc thì hãy tự cải thiện kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp ngay từ hôm nay với những bí quyết sau:
1. Ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể
Theo một kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ phần trăm của các yếu tố đóng góp vào sự thành công của quá trình giao tiếp như sau: từ ngữ: 7%, ngữ điệu: 38%, ngôn ngữ cơ thể: 55%.
Ngữ điệu là sự trầm bổng của các tiếng phối hợp với nhau, phù hợp với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt. Bạn có thể rèn luyện ngữ điệu bằng cách tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để nhìn ra những độ cao chưa phù hợp.
Đừng bỏ qua ngôn ngữ cơ thể với khả năng thuyết phục cực kỳ đáng nể. Bạn sẽ kinh ngạc trước khả năng thu hút khán giả khi kết hợp với di chuyển và cử động tay linh hoạt. Giao tiếp bằng ánh mắt cũng vô cùng quan trọng. Theo kinh nghiệm từ các diễn giả thì bạn nên quan sát khán phòng theo hình chữ M để có thể bao quát toàn bộ khán giả, tuy nhiên đôi lúc nên tìm một ánh mắt nào đó để giao tiếp và truyền cảm hứng.

Biết đâu bạn thích : Làm chủ kỹ năng thuyết trình cho sinh viên với Public Speaking
2. Tạo sự kết nối với khán giả, khiến khán giả tin tưởng
Sự tương tác, kết nối với khán giả là công cụ giúp người thuyết trình hòa quyện thông điệp muốn truyền tải vào cảm xúc của người nghe, khiến khán giả ghi nhớ thông điệp dễ dàng hơn. Bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trạng thái cảm xúc mãnh liệt như hứng thú, cảm động, kinh ngạc, vui vẻ,… sẽ kích thích não tiết ra Dopamine giúp não xử lý thông tin mạnh mẽ hơn, đồng thời ghi nhớ lâu hơn.
(Video Này Dành Cho Những Bạn Nói Mà Không Ai Nghe | Tư vấn Fans | Huynh Duy Khuong)
Hãy thử theo dõi những buổi Ted Talk bạn sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó. Ted Talk là nơi chia sẻ không chỉ kiến thức, quan điểm về những vấn đề xã hội phổ biến, mà còn những chuyên ngành khô khan như chính trị hay kỹ sư. Nhưng, hiếm khi nào bạn thấy rằng những diễn giả trên Ted Talk lại khiến chủ đề đó trở nên mờ nhạt. Họ luôn biết cách tạo sự chú ý, hài hước hay thậm chí là sốc đối với người nghe trực tiếp tại sự kiện lẫn người xem trực tuyến.
3. Đừng quên sức mạnh của một câu chuyện
Đây chính là bí kíp để tạo ra điểm nhấn của buổi thuyết trình, quên đi những kiến thức khô khan mà bất cứ ai cũng có thể tìm được trên google mà hãy kể những câu chuyện thực tế, những ví dụ sinh động, những nhân vật cụ thể sẽ tạo cảm hứng và đi vào tiềm thức của người nghe.
Người nói có kỹ năng sẽ cẩn thận chọn những câu chuyện có liên quan đến người nghe của mình. Như vậy, khi đưa ra bất kỳ bài thuyết trình nào, điều đầu tiên bạn cần nhận biết chính là đối tượng tương tác của mình.
4. Để lại dấu ấn khi thuyết trình bằng cách tạo thương hiệu riêng
Tự xây dựng cho mình một thương hiệu là kỹ năng thuyết trình quan trọng. Đó có thể là một lời giới thiệu độc quyền khi bắt đầu, một câu đệm quen thuộc nghe là biết liền ai nói hay luôn kết thúc buổi thuyết trình bằng một bài hát hay một câu nói mang đậm triết lý,…

5. Trình bày nội dung thuyết trình khoa học
Một câu chuyện hay một bài thuyết trình đều nên được chia ra làm các phần nhỏ như: đặt vấn đề, nội dung chính và cuối cùng là kết luận. Việc chia nhỏ vừa giúp người nói không lan man, truyền tải trọn vẹn, đầy đủ nội dung thông điệp, đồng thời cũng giúp người nghe dễ dàng theo dõi câu chuyện.
6. Rèn luyện sự tự tin lâu dài và bền vững
Tự tin luôn là yếu tố then chốt để thuyết trình thành công. Bởi chỉ khi bạn tự tin và tin tưởng vào những gì mình nói, khán giả cũng sẽ có thể đặt sự tin tưởng vào bạn.
Các mẹo giúp bạn có được sự tự tin:
- Tập diễn và nói trước gương: tập trung vào khả năng diễn xuất của ngôn ngữ cơ thể. Đôi khi có thể nói trước người thân, bạn bè để mọi người góp ý cho bạn.
- Quay video bài diễn đó, tự xem lại và nhờ người thân, bạn bè góp ý, từ đó rút kinh nghiệm.
- Học tập từ các diễn giả nổi tiếng trong nước và ngoài nước thông qua các video trên Youtube.
- Quay video bài nói để tự xem lại và nhờ người thân, bạn bè góp ý.
Tuy thuyết trình không phải là một năng khiếu nhưng bạn phải đánh đổi thời gian và công sức để có thể trở thành một diễn giả có sức ảnh hưởng. Từ hôm nay, hãy nhận vai trò trở thành người thuyết trình chính của nhóm, trở thành người báo cáo kết quả hoạt động của cả team. Chỉ khi đặt bản thân dưới những áp lực thì bạn mới cố gắng tìm cách cải thiện bản thân. Ngoài việc tự rèn luyện, bạn có thể tìm hiểu những khóa học public speaking uy tín để có thể học hỏi từ những giảng viên, diễn giả kinh nghiêm.