
Có lần tôi ngồi với cậu bạn, kể lể giải bày một hồi, tôi chép miệng kết luận: “Lẽ ra tớ không nên có những cảm xúc ích kỷ như vậy phải không?”. Bạn tôi bảo rằng: “Nhưng mà, cảm xúc đó đâu có sai…”.
Cậu học điều đó từ năm lớp 3. Tôi ngạc nhiên sao lại sớm thế. Bạn tôi kể: Năm đó, trong bài kiểm tra chất lượng đầu năm, cô giáo cho đề văn: “Viết một lá thư cho người bạn đã chuyển trường”. Trùng hợp thay, năm đó trường của cậu cũng tách đôi thật. Một nửa sang phân hiệu mới, nửa ở lại trường cũ. Các bạn vì thế có rất nhiều chất liệu để viết bài. Năm ấy có một bài được 10 điểm. Cô giáo đọc bài văn 10 điểm cho các lớp nghe, trong đó có một câu khiến cô xúc động. Câu đó thế này:
“HÔM QUA, TỚ ĐI NGANG TRƯỜNG MỚI CỦA CẬU. NHÌN QUA CỔNG, TỚ THẤY CẬU ĐANG VUI VẺ BÊN NHỮNG NGƯỜI BẠN MỚI. TỰ NHIÊN TỚ BUỒN LẮM!”.
Chỉ đơn giản là vậy, không giải thích thanh minh gì thêm rằng tại sao lại cảm thấy “buồn”. Dù cái buồn ấy, nhiều người trong chúng ta đều hiểu. Hẳn có một hai lần trong đời mình nhìn đứa bạn chí thân tung tăng vui vẻ với đám bạn mới, mình thành tâm thấy vui vì nó vui, nhưng thành thật thì mình cũng buồn vì nó vui mà không có mình.
Nhưng chúng ta luôn cho rằng cảm xúc thứ hai là không đúng, ta ghét nhận rằng mình có tí hơi buồn, vì thế ta chối bỏ nó. Bài văn năm lớp 3 ấy được cô cho 10 điểm, bởi sự thành thật trong cảm xúc. Một “Nỗi buồn” rất tự nhiên, dễ hiểu, nhiều người trải qua ít người dám nhận. Dẫu cảm xúc ấy hồn nhiên không ai nỡ bắt lỗi, và trong trẻo đến mức chẳng cần che giấu.
Mỗi ngày lại có nhiều thêm những bí kíp truyền tai, những điều căn dặn ta “làm chủ” cảm xúc của mình, gạt bỏ mọi “sân si ái ố”. Ta không được phép cảm thấy ganh tỵ, ích kỷ, buồn bã, nổi giận…
Con người đã trở nên ưu việt hơn trong nhiều lĩnh vực, liệu cảm xúc có phải là thứ tiếp theo con người nên kiểm soát?
1. Chúng ta sống bên nhau
Chọn lọc Tự nhiên (Natural Selection), nói nôm na, là quá trình những đặc tính bất lợi ảnh hưởng tới khả năng sinh tồn sẽ khiến những cá thể mang đặc tính đó khó tồn tại, khiến những đặc tính bất lợi cũng biến mất theo năm tháng.
Đó là nền tảng của sự tiến hóa. Thế nhưng, khuyết điểm không phải bao giờ cũng là điểm bất lợi.
Khác biệt lớn nhất của loài người đó là sự hợp tác. Không có loài nào lại hợp tác với nhau đa dạng và mật thiết như loài người. Đến cả loài ong, dù làm việc và hỗ trợ nhau, chúng đều là anh chị em một nhà, hoặc bà con họ hàng gần (dưới 4 đời). Chỉ có loài người là chọn tin tưởng, làm việc, cộng tác với những người hoàn toàn xa lạ. Chính sự hợp tác đó khiến loài người ưu việt hơn tất thảy các loài, mới tạo ra những công trình vĩ đại, mới giao thương buôn bán và dựng nên thế giới ngày nay. Hợp tác chính là yếu tố sống còn của con người.
Và, nền tảng quan trọng của hợp tác là sự tin tưởng. Vậy niềm tin của con người đến từ đâu?
2. Sự Tử Tế: Nhìn theo một-cách-Sinh-Học
Ngay khi loài người càng lúc càng mất niềm tin vào lòng tốt, tôi vẫn phải nhắc lại một câu muôn năm tưởng đã cũ: “Nhất chi sơ tính bản thiện”. Hậu thế đã chứng minh cho quan điểm đó của người xưa bằng các nghiên cứu về thần kinh và não bộ. Bằng các biện pháp đo đạt, quan sát, chụp cắt lớp, v.v… người ta đã tìm ra rằng khi làm được việc tốt, một vùng của não bộ được kích thích khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và hài lòng. Vì vậy, con người thích làm điều tốt như một đặc tính “hoàn toàn sinh học” (Như ăn ngon, bụng no thì hạnh phúc).
Đặc tính này của não bộ được Chọn Lọc Tự Nhiên giữ lại trong quá trình tiến hóa của con người. Quá trình chọn lọc ấy có thể giải thích (một cách tương đối) như sau: Những người xấu xa bẩm sinh (Về mặt sinh học, não bộ của họ không có sự hứng khởi khi làm người tốt), sẽ không nhận được sự tin cậy và hợp tác từ người khác, chính điều đó cô lập và khiến họ khó có thể sinh tồn. Những kẻ xấu, phạm tội ác tàn bạo, sẽ bị diệt trừ (bởi luật pháp và các cộng đồng). Thế nên, trong loài người hiện đại (dù cho có những trường hợp ngoại lệ), bản chất của chúng ta là hướng về điều thiện. Đồng thời, sự tử tế là một biểu hiện khiến một người dễ được tin tưởng. Chính sự tử tế khiến chúng ta dễ chung sống và hợp tác với nhau.
3. Nhưng… chúng ta có vị tha như chúng ta nghĩ?
Có thể nói phần lớn chúng ta đều tử tế, nhưng lòng tốt của con người cũng chia thành hai loại: Lòng tốt vô điều kiện (Altruism) và Lòng tốt có điều kiện (Kindness and Fairness).
Người ta làm hàng loạt thí nghiệm khác để quan sát “lòng tốt” ở con người. Họ quan sát thấy rằng khi nhận được điều tử tế, người ta có xu hướng sẽ làm điều tử tế ngược lại với người đó và những người xung quanh. Nhưng khi bị có ai đó chơi xấu họ, lừa dối họ, họ sẽ mong muốn “trừng phạt” những kẻ đó. Đồng thời, các nghiên cứu phía ngành Y Sinh về não bộ cũng cho thấy, tương tự như vùng não hưng phấn khi làm điều tốt, cũng có một vùng não tương tự cho người ta cảm giác hả hê khi trừng phạt người khác.
Đó cũng lại là một phản ứng sinh-học khác của con người.
Điều đó giải thích cho việc, chúng ta thấy hài lòng khi một nhân vật phản diện phải trả giá, khi đứa chúng ta không ưa trong lớp bị bồ đá, khi đứa quỵt tiền của chúng ta bị vỡ nợ. Các mẹ bỉm sữa vỗ đùi cái đét “Cho đáng đời” khi gái lẳng lơ nào bị “quánh ghen”. Chính Chọn lọc Tự Nhiên giữ lại xu hướng ưa “trừng phạt” ở con người, vì sự trừng phạt nghiêm khắc giúp răn đe và loại bỏ các hành vi xấu, các cá thể xấu nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho tập thể.
Lòng tốt vô điều kiện thật cao đẹp, rất hiếm và đáng quý, nhưng chính lòng tốt có điều kiện mới giúp chúng ta sinh tồn. Theo thời gian, lòng tốt có điều kiện chiếm ưu thế lấn át lòng tốt vô điều kiện (kiểu Đường Tăng). Phần lớn loại người hiện đại đều tốt “vừa phải” và có điều kiện, chúng ta sẽ tốt với một người cho đến khi người đó không còn xứng đáng, sẽ khó tin người khi bị dối lừa nhiều lần, và khó tử tế khi thiếu sự tử tế ở quanh mình.
4. Khi con người không được tiến hóa đề điều kiển cảm xúc
Trong kinh tế, mọi quyết định đều phải đưa ra trong sự thiếu thốn về thông tin. Khi mua một món hàng, bạn có tìm hiểu kỹ đến đâu bạn luôn không thể biết hết các “hành tung” của người bán. Như khi đi ăn, bạn chẳng bao giờ có thể biết người bán có làm rớt sợi tóc nào vào nồi nước lèo không? Chính vì vậy, người ta cần những tín hiệu (Thuật ngữ trong kinh tế là “tín hiệu thị trường”).
Ví dụ, hàng ăn thì sẽ treo tờ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn trước tiệm, dầu gội đầu sẽ mời diễn viên ca sĩ đóng quảng cáo, anh nào cầu hôn sẽ chọn viên kim cương. Đó đều là những tín hiệu khiến bạn tự tin chọn một thứ gì đó. Và, một tín hiệu tốt là một tin hiệu không phải ai cũng “phát” được. Nếu hàng ăn nào cũng “mua” được một tờ giấy dấu đỏ, thì còn mấy người tin. Bỏ tiền thuê diễn viên ca sĩ cũng mất bạc tỷ, chứng tỏ chỉ các hãng lớn, có doanh thu cao mới mời được, mà doanh thu cao, nhiều người mua thì hẳn là hãng tốt. Anh nào mua được kim cương bự, chứng tỏ ảnh rất giàu, có điều kiện tài chính, thế mới có thể “Em chỉ cần chăm lo rửa chén lau nhà cho thư giãn, thếgiới cứ để anh lo” và ai cũng biết kim cương không phải ai mua cũng được. Nếu các “tín hiệu” ai cũng “phát được” cũng thao túng được, thì thành ra không còn giá trị, không khiến người ta tin nhiều nữa.
Cách đây mấy hôm, trong bài giảng về kinh tế, thầy tôi nói về chuỗi các nghiên cứu của ông về “Nụ cười” như hiện tượng mang tính kinh tế. Từ góc nhìn kinh tế, “nụ cười” được xem là “tín hiệu thị trường”. “Nụ cười” (nhấn mạnh THẬT LÒNG) nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Bằng ý thức, chúng ta chỉ kiểm soát được cơ miệng (Cười như vậy gọi là “nhăn răng”), nhưng một nụ cười thật lòng gồm cả chuyển động của cơ miệng và một phần cơ quanh mắt. Những hiểu biết về sinh học chỉ ra phần cơ mắt co lại khi cười không kiểm soát được bằng ý thức, nó chỉ bị chi phối một cách vô thức bằng phần não với cảm xúc tươi vui tương thích.
Nụ cười nằm ngoài sự kiểm soát bằng lý trí của con người, vì thế nó là một “tín hiệu đáng tin cậy”, để một cách vô thức con người dễ tin tưởng, hợp tác, ký hợp đồng với những người có nụ cười sáng và thành thật (Các chị em ngoài ưa kim cương, cũng rất thích các anh có nụ cười tỏa nắng).
Con người có thể kiểm soát tay chân và một phần trí não. Con người càng ngày càng tìm cách kiểm soát nhiều hơn cơ thể của mình. Nhưng, rất nhiều thứ được tạo hóa giữ xa tầm tay loài người, khiến họ không thể bằng ý thức mà điều kiển được. Những thứ không-thể-điều-khiển đó cần phải giữ lại để người ta còn có thứ vịn vào mà phân biệt, mà chọn tin tưởng, yêu mến một người hay không.
Cảm xúc là những tín hiệu vô thức trao đi. Chúng ta buồn để người khác biết họ nên quan tâm ta nhiều hơn một chút. Chúng ta nổi giận để mọi mâu thuẫn không bị tồn đọng, xếp lớp. Chúng ta khóc để người đối diện biết chúng ta đã tổn thương sâu sắc. Sự đáng tin cậy của cảm xúc nằm ở việc ta không dùng lý trí mà uốn nắn nó được. Vì thế, một cách trực giác nào đó, ít nhiều mình đều ngợ ngờ nhận ra đâu là nụ cười giả tạo, đâu một nụ cười hồn nhiên, đâu giọt nước mắt thành thật và đâu là giọt nước mắt giả bộ.
5. Sự chọn lọc tiếp theo?
Có những cảm xúc, dù nhiều người trong chúng ta tìm cách chối bỏ, nhưng vẫn được Chọn Lọc Tự Nhiên giữ lại cho đến ngày nay. Cuối cùng, những thứ được giữ lại không phải những thứ đẹp đẽ nhất, mà là những điều cần thiết nhất.
Chúng ta cần biết phẫn uất trước cái xấu, để biết đấu tranh cho lẽ phải. Cần biết yếu đuối, để người khác có cơ hội yêu thương mình. Và, đôi khi một chút ích kỷ, để ta biết mình cần nhau nhiều đến đâu.
Quay lại câu hỏi, liệu cảm xúc có phải thứ tiếp theo ta nên tìm cách kiểm soát?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài người thông minh đến mức có thể điều khiển được cảm xúc? Họ luôn biết cách cười hòa nhã mọi lúc mọi nơi, điều khiển được việc yêu ai, ghét ai, nhớ ai, quên ai. Khi đó liệu chúng mình còn tin tưởng được một nụ cười thành thật?
Viễn cảnh ấy cũng không khó tưởng tượng. Khi ngày này các cuốn sách hướng dẫn, các khóa học dạy ta cách điều khiển sự lạc quan, hạn chế sự tiêu cực, dạy ta lờ đi những mong muốn “trừng phạt”, dạy ta rất nhiều cảm xúc là xấu phải tránh. Khi nhiều điều có thể học mà có, người ta lại quay sang chê nhau giả tạo. Chẳng biết bao nhiêu người tử tế thật lòng đã bị người khác chỉ trỏ “Hoa Hậu Thân Thiện”.
Thầy tôi gọi đùa thông minh đến thế là: “Too smart to be good!”. Còn Nguyễn Nhật Ánh cũng từng viết: “Ở đời, lắm kẻ thông minh, cũng lắm người thật thà. Nhưng người nhiều thông minh thường ít thật thà. Và người nhiều thật thà lại ít thông minh. Thông minh bao giờ cũng khéo ăn khéo nói khéo ứng xử, mà điều gì khéo quá thì thường kém chân thật, khổ thế”
Cá nhân tôi nghĩ, kiểm soát hành vi của mình khi bị chi phối cảm xúc là điều nên rèn luyện, bởi đó là sự tử tế và trách nhiệm với người khác. Nhưng, cảm xúc vẫn là một phản ứng rất vô thức của con người. Dù vậy, cảm xúc là điều không nên lạm dụng, có những điều nên giữ cho riêng mình hoặc cho những người đáng tin cậy. Sống tích cực không phải là dập đi tất cả những cảm xúc “bị cho” là tiêu cực. Hãy để, chí ít là bản thân, được thoải mái với những cảm xúc của chính mình, ghi nhận thật chân thành. Quan sát thôi nhưng đừng phán xét!
Tác giả: Đặng Huỳnh Mai Anh