“…Liên tục khám phá, liên tục trải nghiệm là những tiêu chí đặt ra trong mỗi chuyến đi Gap Year. Những nét đẹp văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh, con người trên khắp thế giới,…mọi thứ bày ra trước mắt đều mới mẻ và thú vị. Tuy vậy, khác với một chuyến đi du lịch thông thường, Gap Year đòi hỏi bạn một thái độ nghiêm túc…”
Thử thách và cơ hội luôn song hành trong mỗi chuyến đi. Với Gap Year, điều này càng thể hiện rõ nét. Gap Year phải đối mặt những gì? Gap Year cho ta những gì? Tìm kiếm cơ hội Gap Year như thế nào?…
Tiếp nối Gap Year – Chuyện “con nhà người Tây”: (Phần 1: Chuyến đi tuyệt vời nhất trong đời) Bài viết ngay sau đây sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn giải đáp những câu hỏi trên, một cái nhìn toàn diện và rõ nét hơn về Gap Year – Năm học thứ 13.
Một năm học trưởng thành đầy biến động…
Gap Year đi thôi! Vì thế giới đầy những cơ hội…
Gap Year: Học để trưởng thành
Gap Year là cuộc sống bên ngoài sách vở. Một năm tạm gách chuyện học hành thi cử, chủ động sống xa gia đình, bạn sẽ gặp những người chưa từng quen, làm những việc chưa từng thử, lắng nghe và nhìn thấy những điều chưa từng biết.
Bạn sẽ đến những miền xa xôi, thậm chí khó khăn, nghèo đói để thực hiện những công việc tình nguyện vì cộng đồng (dạy học cho trẻ em, giữ gìn môi trường, bảo vệ động vật hoang dã), làm việc kiếm tiền hoặc đi du lịch bụi một mình. Vì vậy điều quan trọng nhất mà Gap Year mang lại, chính là bạn được học những điều mà trường lớp và gia đình chưa hề dạy.

Học cách tự chăm sóc bản thân, từ những việc nhỏ nhặt nấu ăn, giặt đồ, đi chợ đến việc chăm sóc sức khỏe, sinh tồn trong điều kiện thiếu thốn ( như chuyện không tắm giặt trong vòng 1 tuần, bị ốm do thay đổi khí hậu, chênh lệch múi giờ,…).
Học cách giao tiếp ứng xử, hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm khi tham gia dự án tình nguyện hoặc đi làm thời vụ. Với nhiều bạn trẻ, đây là công việc đầu tiên trong đời. Phần lớn khá nặng nhọc( tham gia bảo tồn động vật hoang dã, chăn nuôi gia súc, thu hoạch nông sản, phục vụ bàn, dạy học…) nên khó khăn là điều dễ hiểu khi bạn đã quen với việc được bao bọc và chiều chuộng khi ở nhà.
Học cách sống trong môi trường tập thể, ở nhờ nhà người lạ khi tham gia các dự án cộng đồng hoặc chương trình dành riêng cho Gap Year. Chắc chắn sẽ không thoải mái như ở nhà mình khi thích nghi với chuyện phân công công việc và rèn luyện ý thức sinh hoạt chung. Bù lại, bạn làm quen thêm nhiều người bạn mới và tạo nên những tình bạn xuyên biên giới trong và sau chuyến đi.
Học cách đối mặt và giải quyết những vấn đề muôn hình vạn trạng ở môi trường mới (shock văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, mất cắp, lạc đường,…). Có rất nhiều rủi ro khi lần đầu bạn ra nước ngoài. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị thông tin kỹ lưỡng, nghiên cứu phong tục tập quán, tình hình an ninh chính trị, kinh nghiệm đề phòng trước khi bạn quyết định lên đường.
Học cách chi tiêu với bao nhiêu nhu cầu trong khi ngân sách có hạn. Điều đó giúp bạn biết quý trọng đồng tiền, biết kiểm soát bản thân và hiểu rõ hơn về quản lý tài chính.
Học cách lắng nghe, chấp nhận và khiêm tốn với mỗi thành công đạt được. Vì xung quanh sẽ có rất nhiều người giỏi giang hơn bạn và còn vô vàn thứ trên đời mà ta chưa biết.
Học cách đối diện với sự cô đơn, làm quen với khó khăn và đứng dậy mỗi khi vấp ngã. Nhiều thứ “lần đầu” quá, vấp ngã là điều khó tránh khỏi. Vậy nên bạn cần chuẩn bị tâm lý tốt nhất để vượt qua nó khi chỉ có một mình.
Học cách cảm thông, chia sẻ, cho đi và nhận về sự yêu thương và giúp đỡ, từ những người xa lạ, từ những người bạn mới quen, từ những mảnh đời bất hạnh.
Và học cách trân trọng cuộc sống…

Bởi vậy mà nói Gap Year chính là “Năm học thứ 13”.
Một năm học không có bài kiểm tra, kỳ thi, họp hành, phê bình, hạnh kiểm
Không áp lực điểm số, không thi đua thành tích, không bằng khen.
Một năm “học tự chọn” đúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
Một năm đáng giá hay phí phạm chỉ tùy thuộc vào bạn.
Bạn là người thực thi, vừa là người đánh giá. Bạn không thể trông chờ người khác, bạn không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai.
Bạn phải học cách tự lập, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.
Một năm học… để trưởng thành.

Trì hoãn để lấy đà và tiến lên phía trước mạnh mẽ.
Gap Year: Những con số thống kê
Theo số liệu báo cáo từ một khảo sát về Gap Year năm 2015 từ Viện Nghiên cứu American Gap Association
- 98% sinh viên trả lời thời gian nghỉ học giúp họ có cơ hội phát triển, trưởng thành hơn về mặt con người.
- 84% cho biết họ có được kỹ năng nghề nghiệp hữu ích sau khi Gap Year
- 77% nói rằng khoảng thời gian không phải chịu áp lực về thi cử , thành tích, điểm số đã giúp họ suy nghĩ và xác định được mục đích cho cuộc sống.
- 73% học sinh cảm thấy sẵn sàng quay trở lại trường để học đại học sau khoảng thời gian nghỉ để trải nghiệm cuộc sống.
Gap Year quanh ta, cơ hội từ Google mà ra.
Lượn lờ vài vòng với một số từ khóa liên quan đến Gap Year, ông già biết tuốt Gúc gồ sẽ cho ta rất nhiều thông tin hay ho về Gap Year như:
Au Pair: hình thức giao lưu văn hóa quốc tế mà ở đó các bạn trẻ sẽ được ra nước ngoài và sinh sống trong gia đình người bản xứ trong thời gian một năm mà không hề mất bất cứ chi phí sinh hoạt nào. Chương trình này đã triển khai tại Việt Nam, bạn tham khảo thông tin tại website: http://aupairvietnam.com/
Global Citizen của AIESEC: chương trình thực tập sinh quốc tế mang đến cơ hội cho giới trẻ đi ra nước ngoài, làm việc cho các dự án cộng đồng trong vòng 6-8 tuần
HELPX, WWOOF: Những tổ chức cung cấp thông tin về các hoạt động tình nguyện quốc tế. Khi tham gia bạn sẽ được hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí, đổi lại bạn phải tham gia làm việc tại vài giờ một ngày tại địa điểm hoạt động:
www.gap year.com là một trong những trang web uy tín nhất về chủ đề Gap Year. Nơi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về Gap Year trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Gap Year là một điểm cộng quan trọng để các trường Đại học nước ngoài xét duyệt hồ sơ, trao học bổng. Vì vậy bạn có thể tìm hiểu thông tin thông qua các tổ chức tư vấn du học. Hoặc hỏi han của anh chị đã từng du học hoặc xin học bổng, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế.
Thế giới ngày càng phẳng. Chỉ cần Internet và vốn tiếng Anh tạm ổn, chúng ta có thể tìm kiếm và kết nối thông tin mà không gặp bất kỳ rào cản. Hãy khám phá, cơ hội luôn có xung quanh chúng ta.
Gap Year đi thôi!…

Qua hai bài viết Gap Year – Chuyện “con nhà người Tây” Phần 1 và Phần 2, chúng ta có thể thấy, thực hiện Gap Year là một việc không hề khó. Đó là một câu chuyện quá bình thường đối với các bạn trẻ “con nhà người Tây” khi họ dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Còn với các bạn trẻ “con nhà người Việt”, “Năm học thứ 13” diễn ra như thế nào? Gap Year ở Việt Nam có những khó khăn gì?…
Xin mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo trong tuần này.
Gap Year – Chuyện “con nhà người Việt”: Ám ảnh “con nhà người ta”
-Billy Bò-
Cách đây mấy hôm, team Admin AYP chúng tôi ngồi lại và ngẫm nghĩ, liệu AYP có thực sự giúp các bạn HÀNH ĐỘNG. Hay chỉ là CẢM HỨNG nhất thời rồi sau đó bạn lại là chính mình của ngày hôm qua. 4 năm đại học không phải là nhiều để các bạn có thể thu nhập cho đủ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, làm giàu vốn sống và kinh nghiệm của mình. AYP muốn có 1 cái gì đó để các bạn có thể làm được ngay, không cần phải chần chừ quá lâu, quá phức tạp.
Và chúng tôi nhận ra chẳng đi đâu xa, các bạn hoàn toàn có thể đến gần chúng tôi, ngay bây giờ hoặc ngay trong ngày mai. Để chúng ta gặp nhau. Để AYP đồng hành cùng thời sinh viên tuyệt vời nhất ! Dưới đây là chương trình do AYP tổ chức mà bạn nhất định phải tham dự nếu còn là sinh viên. Khóa học vì cộng đồng “THIẾT KẾ THỜI SINH VIÊN TUYỆT VỜI” là một trong những nơi bạn có thể đến để học hỏi và trau dồi bản thân.