“Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn” – đó là những gì tâm đắc mà Robert Kiyosaki – tác giả bộ sách “Dạy con làm giàu” muốn nhắn gửi đến chúng ta. Có thể nói, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn và gia đình. Tuy nhiên, thực tế phần lớn chúng ta chưa có phương pháp quản lý tài chính thông minh và hiệu quả. Để cuộc sống của bạn thêm giá trị hãy bắt đầu quản lý tài chính cá nhân cùng AYP với những “nguyên tắc vàng” sau đây.
Tìm hiểu quản lý tài chính cá nhân là gì?
Quản lý tài chính cá nhân được xem là chìa khóa để làm chủ cuộc sống của mọi chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những hiểu biết chính xác về kỹ năng này. Vậy, quản lý tài chính cá nhân là gì? Quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng vận dụng những nguyên tắc tài chính cơ bản trong kinh doanh để kiểm soát và sử dụng nguồn tài chính cá nhân một cách hợp lý và hiệu quả. Quá trình quản lý tài chính cá nhân bao gồm theo dõi, đánh giá, điều chỉnh tình trạng tài chính của cá nhân mỗi người theo cấp độ thời gian từ hàng ngày, hàng tuần cho đến hàng tháng, hàng năm.

Thực tế, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân không được dạy ở trường học cũng như trường đời. Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu chú ý đến vấn đề này tuy nhiên vẫn chưa thực hiện thành công. Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ việc bạn thiếu động lực và chưa tìm ra phương pháp quản lý tài chính thông minh và phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Tính ứng dụng của khoá học Quản lý tài chính cá nhân Money Tree
- Top 5 Cuốn Sách Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Nên Đọc Năm 2020
Sự cần thiết của kỹ năng quản lý tài chính cá nhân
Chúng ta không thể phủ nhận tài chính có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, không khó để giải thích tại sao tiền bạc luôn là một trong những mối bận tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình.

Nếu bạn không biết kỹ năng quản lý tiền bạc hiệu quả thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ để những khoản tiền của mình bị sử dụng một cách lãng phí và cạn kiệt. Thực tế, đã có nhiều bạn trẻ mặc dù có thu nhập cao và ổn định, nhưng vẫn rơi vào tình trạng “viêm màng túi” thường xuyên. Ngược lại, nếu biết cách quản lý tài chính thông minh, bạn có thể chủ động và tự mình giải quyết rất nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Đối với học sinh – sinh viên, mặc dù nguồn thu nhập chủ yếu đến từ các khoản chu cấp của gia đình, tiền làm thêm hoặc các hoạt động kinh doanh online,… nhưng quản lý tài chính vẫn là việc cần thiết và quan trọng. Bằng việc quản lý tài chính thông minh và hợp lý, bạn không những hình thành được thói quen tốt, tránh rơi vào tình trạng “khủng hoảng tài chính” mà còn có thể tiết kiệm một khoản ngân sách dành cho các trường hợp khẩn cấp. Khi đi làm hoặc có gia đình, việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không chỉ giúp bạn giải quyết các vấn đề tiền bạc ở hiện tại mà còn giúp bạn sắp xếp, chuẩn bị, thực hiện những kế hoạch lâu dài trong tương lai, đặc biệt mang đến cảm giác an tâm hơn cho cuộc sống của chính bạn và người thân.
Như vậy, dù ở thời điểm nào thì kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cũng được xem là nền tảng để xây dựng một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
(TIỀN VS BẠN, AI MỚI LÀ CHỦ? | Nguyễn Hữu Trí)
Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và những “nguyên tắc vàng” cần áp dụng
Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân muốn được thực hiện hiệu quả cần có những nguyên tắc riêng. Sau đây là một số “nguyên tắc vàng” sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu của mình một cách thông minh và hợp lý:
- Chi tiêu ít hơn số tiền mà bạn kiếm được để trở nên giàu có: Khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu càng lớn, bạn càng dễ dàng xoay sở với các vấn đề liên quan đến tài chính trong tương lai. Có thể bắt đầu thiết lập ngân sách cá nhân bằng giấy, bút, máy tính, hay đơn giản hơn là các app ghi chép trên điện thoại để quản lý tài chính nhân và nắm rõ các khoản chi của mình.
- Luôn lập kế hoạch cho tương lai: Bên cạnh các hình thức tiết kiệm phổ biến như sổ tiết kiệm hay các khoản hưu trí,… bạn có thể xem xét các hình thức đơn giản hơn như quyết định mua trả góp hay thanh toán toàn bộ một món đồ gia dụng. Ngoài ra, một “quỹ khẩn cấp” cũng rất cần thiết cho các phát sinh đột ngột.

Hãy đầu tư để tiền sinh ra tiền: Tiền có thể tăng lên ngay cả khi bạn đang ngủ. Tuy nhiên, không ai bỏ tất cả các trứng vào cùng một rổ. Vì vậy, hãy chia tiền thành nhiều phần để đầu tư vào các hạng mục khác nhau, kể cả đầu tư cho việc học để có một công việc, cuộc sống tốt hơn.
Công thức “6 cái lọ”: Phương pháp quản lý tài chính cá nhân người trẻ nên biết
Một trong những phương pháp quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng khắp thế giới và được rất nhiều người áp dụng thành công chính là công thức quản lý tài chính thông minh Jars chỉ với 6 cái lọ.

Hãy bắt đầu hiện thực hóa kỹ năng quản lý tài chính cá nhân bằng việc chuẩn bị 6 cái lọ (có thể thay thế bằng két sắt hoặc tài khoản ngân hàng). Trong đó, mỗi lọ sẽ có tên và chức năng nhất định. Việc của bạn là hãy chia đều khoản tiền có được vào mỗi lọ với tỷ lệ như sau:
– Quỹ nhu cầu thiết yếu – NEC – 55%: Lọ này dùng cho sinh hoạt, ăn uống, vui chơi, giải trí,… đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Nếu hiện tại quỹ NEC của bạn trên 80% thu nhập thì bạn nên tăng cường nguồn thu hoặc cắt giảm chi phí để đạt được tự do tài chính.
– Quỹ giáo dục ngắn hạn – EDU – 10%: Lọ này bạn dùng để rèn luyện và phát triển bản thân mỗi ngày. Chúng ta nên nhớ đầu tư tốt nhất vẫn là đầu tư vào việc học. Bạn có thể dùng quỹ EDU để mua sách, tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết, giao lưu, gặp gỡ những người thành công, có sức ảnh hưởng trong cuộc sống.
– Quỹ hưởng thụ – PLAY – 10%: Việc tự thưởng cho bản thân sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn nữa trong việc kiếm thêm nhiều tiền. Với lọ này, bạn có thể tự thưởng cho mình những món quà mà bạn yêu thích như một chiếc áo mới, một bữa ăn ngon, một chuyến du lịch,…
– Quỹ tiết kiệm dài hạn – LTSS – 10%: Hãy luôn nhớ rằng điều quan trọng không phải là bạn làm được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền. Vì vậy, lọ này được dùng để thực hiện những ước mơ của bạn, không phải là tiết kiệm cho lúc khó khăn.
– Quỹ cho đi – GIV – 5%: Với lọ này, bạn dùng để làm từ thiện; giúp đỡ gia đình, người thân, bè bạn,… Quỹ GIV sẽ giúp bạn thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc sống, cho đi để nhận lại nhiều hơn.
– Quỹ tự do tài chính – FFA – 10%: Lọ này giúp bạn có thể tạo ra một cuộc sống như bạn muốn, không phụ thuộc vào người khác. Lưu ý, quỹ FFA chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thụ động, không dùng cho việc khác.
Những tỷ lệ trên mang tính chất tương đối, bạn có thể điều chỉnh dựa trên tuổi tác, mục tiêu tài chính và những gì bạn thấy phù hợp nhất với bản thân.
Với những chia sẻ về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân trên đây, AYP hy vọng các bạn có thể quản lý tiền bạc một cách thông minh và hiệu quả, cải thiện tình hình tài chính hiện tại của mình. Hãy làm chủ cuộc sống của chính mình bằng cách bắt tay và làm quen với việc quản lý tài chính cá nhân ngay hôm nay!