Cuộc đời không phải lúc nào cũng mang một màu hồng tươi đẹp. Thay vì cứ mãi mơ hồ trong câu hỏi về đam mê của bản thân, bạn hãy thử nhìn theo một góc độ khác: làm thế nào để đạt được thành công bằng cách quan tâm đủ nhiều đến việc mà bạn muốn làm – và đủ sức làm được?
RANH GIỚI GIỮA ĐAM MÊ VÀ QUAN TÂM
Trong tiếng Anh, “đam mê” (passion) được định nghĩa là một cảm xúc mạnh mẽ hoặc khó lòng chế ngự được. Trong khi “quan tâm” (care) lại là sự hứng thú hay để ý đến một điều gì, và gán cho điều đó một tầm quan trọng nhất định. Trong một thế giới mà người người nói luôn hồi về việc tìm kiếm đam mê, đó dường như vẫn là điều gì đó rất mơ hồ. Nhưng trái lại, nếu bạn được bảo hãy tìm điều gì đó khiến bạn quan tâm thì sẽ dễ dàng hơn nhiều: bạn có thể chọn để quan tâm đến bất cứ điều gì, ở bất cứ thời điểm nào. Hiện tại bạn đang quan tâm tới việc học tiếng Anh, đi du lịch nước ngoài, hay cố gắng để được tăng lương? Một khi biết được mối quan tâm của mình đặt ở đâu, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của nó và sẽ cố gắng hành động để hiện thực hóa nó.
Hãy nhớ, “đam mê”chỉ là cảm xúc, mà cảm xúc thì không phải lúc nào cũng bất biến và đáng tin. Mối quan tâm thì khác – một khi đã quan tâm đủ, bạn sẽ có động lực để hành động.
ĐỪNG NHẦM LẪN GIỮA SỞ THÍCH VỚI SỞ TRƯỜNG
Trên con đường dẫn tới thành công, nhiều người bị kẹt lại vì bị nhầm lẫn giữa sở thích và sở trường. Họ cho rằng đam mê được phát triển từ sở thích cá nhân, và thành công sẽ đến khi họ dốc sức làm điều họ yêu thích.
Tuy nhiên, thích không có nghĩa là sẽ giỏi! Nếu bạn có đam mê nhưng khả năng lại hạn hẹp và không được mọi người công nhận, thì niềm đam mê đó có lẽ sẽ không thể đem lại cho bạn thành công như ý muốn.
Dù rằng đam mê có thể là chất xúc tác hiệu quả, trở thành động lực để bạn đặt mối quan tâm của mình đúng nơi đúng chỗ, nó vẫn là vô nghĩa nếu bạn khả năng của bạn chưa “tới”. Nên thay vì chỉ tập trung suy nghĩ về đam mê, hãy tỉnh táo xác định thế mạnh của bản thân, đặt quan tâm của mình vào những thế mạnh sẵn có, rồi lên kế hoạch hành động để tiến đến thành công.
ĐẠT ĐẾN “ĐIỂM GIAO LÝ TƯỞNG”
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: phải lên kế hoạch hành động thế nào cho hiệu quả? Bạn hãy tham khảo mô hình minh hoạ bên dưới:
Giao thoa giữa ba yếu tố: mối quan tâm, điều bạn có thể làm, và nhu cầu của xã hội – là “điểm giao lý tưởng”. Trái ngọt của thành công sẽ rơi vào tay bạn chỉ khi bạn kết hợp được ba yếu tố nêu trên.
Hãy dành thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu rõ về ba yếu tố đó. Điều này sẽ khó khăn, nhưng trên con đường đi đến thành công không có chỗ cho những người lười biếng!
Mối quan tâm: Điều này bản thân bạn phải tự trả lời, bạn có thể dựa vào tính cách của bản thân để nhìn ra những mối quan tâm của mình xung quanh đó.
Điều bạn có thể làm: Điều này có thể xác định thông qua các kinh nghiệm của bạn trong việc làm, học, các hoạt động, và mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, giải pháp trên sẽ chưa thể cho bạn 1 câu trả lời bao quát và chính xác nhất, vì bản thân bạn không thể thử hết tất cả mọi thứ để đưa ra kết luận mình giỏi ở lĩnh vực nào. Để có câu trả lời chính xác và đỡ tốn thời gian, đỡ vấp ngã và thất bại, bạn nên tìm hiểu thêm các phương pháp khoa học như bài kiểm tra tính cách, xác định khả năng hoặc ứng dụng sinh trắc vân tay để khám phá bản thân,…
Nhu cầu xã hội: Các thông tin hiện tại về tình hình kinh tế, xã hội, các ngành đều có thể tìm thấy trên internet, hoặc bạn có thể chủ động tìm gặp những người có kinh nghiệm trong ngành đểhọc hỏi và xin ý kiến.
Thay vì ngồi bị động chờ đợi đam mê đưa thành công tới, hãy chủ động hoàn thiện bản thân mình để tiến lên, bạn nhé!
Nguồn tham khảo: WSE