Áp lực kinh khủng của việc học đại học, giờ em làm gì?
Cô bé này học trường Y, năm 4. Tôi có 2 đứa em học Y Dược, tốt nghiệp Dược, ra trường đi bán thuốc, công việc áp lực một phần, nhưng có thằng bị bác sĩ nó “khinh rẻ”, thằng em cũng bức xúc, đầu vào như nhau, học hành cũng căng thẳng như ai, nhưng ra đời lại bị xem là thứ “phụ gia”.
Tôi đem câu chuyện này kể lại với cô bé học “bác sĩ”, câu đầu tiên tâm tình, tôi bảo, áp lực của chuyện học chỉ mới là áp lực từ một phía, khi ra đời, em sẽ gặp nhiều loại áp lực với cường độ tương tự, đến từ nhiều hướng, nhiều lúc, và nếu không chuẩn bị được tốt, thì mình sẽ bị đổ gục, nhất là trong cái ngành nghề căng thẳng như em.
Tôi kể lại vào đầu năm 2 BK, tôi bỏ học là vì quá chán chường cảnh sáng 6h30 vào lớp, chiều 11h30 ra đi ăn cơm, 12h30 lại vào lớp, học đến 5h30 chiều mới về nhà. Nhiều hôm không có tiết chiều, bạn bè đứa nào cũng ở lại sân trường để học, tôi cũng không dám về nhà.
Học vậy quá căng thẳng, mà môn khó, sinh viên rớt liên miên, lơ là một chút là rớt, là thi lại, rồi lụn bại ý chí. Trường học có lẽ ngoài dạy cho sinh viên kỹ năng trì hoãn số 1, còn dạy thêm cái kỹ năng phải sống tốt với áp lực, chứ không phải là kiến thức, vì thực ra kiến thức tuy nhiều nhưng không có chất lượng là bao, lối học gạo, thi cử, nên sinh viên càng học nhiều, ra đời càng xử lý tình huống kém, vì thiếu các kỹ năng hỗ trợ khác để ra quyết định. Và vì nhà trường dạy rất bị động, nên càng ngày càng dốt vì không chủ động thì ít việc được giao.
Bây giờ em là năm 4, điểm không thể quay lại. Giống như máy bay mà bay từ Việt Nam tới Pháp vậy, bay qua gần tới Địa Trung Hải rồi, mà muốn quay về Việt Nam thì thiệt hại có khi gấp đôi, và cũng không đủ nhiên liệu để làm điều đó.
Sau này khi có các chương trình nâng cao mà tôi nhắm thấy tốt cho sự nghiệp của mình, muốn đăng ký học lên, nhưng vì thiếu bằng Đại học nên khó khăn trong việc này, nên tôi mới nhắn nhủ cô bé là, em cố gắng học cho hết không phải là vì kiến thức, mà là vì bằng cấp. Với cái bằng đó, sau này nó tuy không giúp nhiều trong công việc chuyên môn, nhưng nếu em có ý định học tập, phát triển lên thêm, cái bằng đó là cái giấy “chứng minh nhân dân” đầu tiên chứng minh là em có đủ khả năng học lên cao, và có khả năng “hữu ích” khi ra xã hội. Mặc dù bằng cấp ở Việt Nam vẫn thường xem là giá trị rất thấp hoặc không có giá trị gì nhiều khi nộp hồ sơ cho các trường Đại học tiên tiến ở các nước văn minh, nhưng nếu không dựa vào bằng Đại học, có thể bên phía Tuyển Sinh họ cũng không biết dựa vào cái gì mà để hiểu về ứng viên.
Vậy vấn đề của em bây giờ là làm thế nào để chịu được áp lực khi học, và cả sau này nữa, chứ không phải là vấn đề học rồi ra làm gì bây giờ, vì câu trả lời này nó cần cả một bầu đoàn thê tử dữ kiện khác nữa, mà cần phải có một nghề hẳn hoi để tư vấn, đó là Career Coaching hay Consultant.
Đáng lẽ nếu nhà trường cấp III làm nhiệm vụ này tốt thì đỡ cho bọn em biết phần nào, nhưng ở xã hội này mà, cái không đáng tin nhất chính là hệ thống giáo dục, họ không làm được gì cả ngoài chuyện làm hại bọn em, làm tốn công sức tiền của của gia đình em, đào tạo ra những con người mà bị khuyết tật không chỉ là kiến thức hữu dụng, mà còn thiếu những kỹ năng để làm việc, và một tinh thần sứt mẻ, trầy trật, cụt tay cụt chân. Đổ lỗi cho họ thì giống như đá đít con chó cắn mình thôi, nó cũng đâu biết tại sao nó cắn mình, bản năng nó vậy rồi.
Giờ mình lo giải quyết việc của mình, tự cứu mình trước. Muốn lên tinh thần, có nhiều cách.
1. Cách khó nhất nhưng lại nhiều khi hay nhất, hiệu quả nhất
Đó là tìm những bạn gặp khó khăn như mình, trở thành người có trách nhiệm giúp họ vượt qua khủng hoảng. Thay vì chú tâm vào cái khủng hoảng của mình, thì chú tâm vào việc giúp đỡ làm sao cho người khác vượt qua trở ngại của họ. Nếu không thoát ra được bằng cách cho mình là nạn nhân, thì hãy cố gắng thoát ra được bằng cách trở thành cứu tinh. Phương pháp này cực kỳ hiệu quả.
2. Tập thể dục, chơi thể thao ngay tức thì
Khoẻ mạnh về thể chất, khiến cho tinh thần minh mẫn, giảm stress, và khi đó nhìn mọi việc rõ ràng hơn. Những lời khuyên hay cỡ mấy cũng khó mà bằng việc em tự nỗ lực làm cho thân thể khoẻ mạnh, sự cường tráng giúp cho năng lượng của em được chuyển hoá, phát triển, điều tiết phù hợp, và còn dồi dào nữa. Năng lượng được trao đổi, có khi lo lắng của em mỗi ngày chỉ còn 1/2.
3. Ăn uống thật ngon, thật dinh dưỡng hàng ngày
Ăn uống ngon, biết cách ăn uống, thưởng thức bữa ăn, là đã lên tinh thần rất nhiều, có khi giảm hết 1/2 stress của buổi hôm đó rồi, học cách ăn còn mang đến nhiều lợi ích về sức khoẻ sau này, của cả cuộc đời. Biết cách nhai không cũng đủ tiêu trừ nhiều bệnh, trong đó có cái bệnh tinh thần là sống vội vã là điều làm tản mác tinh thần số 1.
4. Có bạn bè tốt
Muốn có bạn bè tốt, mình phải là người tốt mà họ muốn chơi cùng trước đã. Cuộc sống họ cũng nhiều áp lực, mình khi ngồi xuống tâm sự chia sẻ, ngoài phần lo lắng mình chia sẻ, mình cũng dành thời gian an ủi cái lo lắng của họ. Cái mình chia sẻ lo lắng cũng in ít thôi, tránh “một mạch tuôn trào” mà đa số chúng ta gặp, nhưng không ai mà có nhiều năng lượng đến nỗi cứ tiếp nhận được nhiều. Mình cũng vậy, không thể nào là nơi tiếp nhận phiền muộn của những người khác, phải cân bằng. Lúc rỗi rãi vui vẻ, thì rủ bạn bè, người thân mà đối đãi với họ cho tốt, vậy là giúp được họ rất nhiều rồi, nhiều khi chỉ là một bữa ăn, một buổi cafe. Lúc mình u ám, họ sẽ tự động xuất hiện giúp mình.
5. Học chơi nhạc, hoặc học thưởng thức nghệ thuật
Không cách nào tốt như việc thưởng thức nghệ thuật trong phương cách con người học cách quan sát trong cuộc sống. Nhạc hay nghệ thuật thị giác giúp cho các giác quan nhạy bén hơn, tư duy tinh tế, sâu sắc hơn, từ đó không chỉ thấy được những điều bình thường khó thấy, mà còn thấy LẠI được những điều bình thường vốn dĩ đã thấy, mà trong đó có nhiều thứ phản cảm, khó chịu, nay được gột rửa, được “trả lại sự công bằng”, được trung tính hoá hoặc thậm chí được thông cảm. Nghệ thuật giúp con người tăng sức chịu đựng, rèn được tính kiên nhẫn qua cách con người thưởng thức. Nếu có bất hạnh thì chúng ta sẽ đỡ bất hạnh hơn, nếu có hạnh phúc, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn.
6. Rèn luyện đức tin
Đức tin trong tôn giáo được xem là đức tin phổ biến nhất, rộng khắp. Còn có những đức tin khác như là đức tin vào một đấng tối cao tồn tại, theo dõi và thực sự giao cho mình một nhiệm vụ quan trọng. Có đức tin là tin vào, ngưỡng mộ thần tượng và bắt chước theo lối sống tích cực của họ. Đức tin là một điều vô cùng quan trọng, dù bạn vô thần hay có thần, khi có đức tin, bạn có một sự thành khẩn với tội lỗi của chính mình, và từ đó biết tự điều chính bản thân, tự hướng thiện, tự sống chan hoà, giúp đỡ mọi người. Người sống không có đức tin, không khéo thành kẻ ác nhân vì không có đức tin sẽ dê dẫn đến ích kỷ, hại người, làm lợi cho bản thân. Việc của chung không ai lo.
Đức tin không có nghĩa duy nhất thuộc về tôn giáo, nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu tôn giáo thì không phải là chọn tôn giáo để theo, mà chọn cách để thực hiện. Ví dụ như cuối tuần bạn có thể tìm một ngôi chùa mà tin tưởng, đến nghe thầy giảng pháp (xin đừng nghe tụng kinh mà làm gì), hoặc đến nhà thờ nghe các Cha nói chuyện. Toàn những người uyên thâm, giỏi, có ý chí, bạn ở đó nghe giảng pháp với một tấm lòng thành kính, hướng thiện, tiếp nhận được năng lượng tích cực của các bậc cao nhân, về nhà hẳn bạn yêu đời gấp đôi, thấy cuộc sống ý nghĩa gấp tư, và bắt đầu gấp chăn màn gấp tám. Chọn cách rèn luyện đức tin, là chọn cách thực hành sống một cách bình tĩnh, tận hưởng khoảng thời gian mà ông trời ban tặng cho mỗi người.
7. Học cách biết ơn
Con người vô ơn là kẻ cướp – như bậc phụ huynh nào đó có dạy. Thực hành đơn giản, thấy ai giúp mình thì cố gắng đừng quên, nhớ ngày đáp trả. Cũng đừng đợi người ta giúp mình rồi mới giúp lại, mà nhớ chủ động giúp người khác trước khi họ gặp khó khăn, nguyên tắc giúp thì đa dạng, có người thì thấy khó khăn là giúp, như tôi thì khi thấy khi nào họ không thể tự cứu mình thì mới giúp (để họ phải tự lập trước đã). Có một quyển sổ, ghi theo ngày hoặc ghi theo tháng, ghi lại vài từ, hoặc một cái tên, để đừng quên tất cả những gì mình được nhận. Rồi phải kiếm từng trường hợp mà mang đến đáp trả. Sống với một thái độ biết ơn, thay vì lấy năng lượng của bạn, nó tiếp cho bạn thêm năng lượng, vì cách sống hướng tới người khác, thật ra là một nguồn dinh dưỡng dồi dào và tích cực cho tinh thần.
Biết ơn và giúp đỡ họ, cho dù bạn chưa làm được gì để tạo công danh, thì bạn cũng đã thấy gần hơn cái ý nghĩa cuộc đời mình.
Nếu khi nào bạn thấy áp lực, nhớ lại đem ra mà đọc, thực hành, chiêm nghiệm và có thể chia sẻ với những người cũng gặp áp lực như mình.
Các bức tường ở đó, để cản đường những người không đủ khả năng, chứ không phải để cản đường bạn.
Nguồn 8morning.
THAM DỰ KỸ NĂNG NGHỆ THUẬT CHIA SẺ VÀ THUYẾT TRÌNH
– Chia sẻ về:
» Why (tại sao bạn nhất thiết phải sở hữu được kĩ năng thuyết trình)
» How (rèn luyện kĩ năng đó bằng cách nào, bao gồm 4 bước từ một người không có khả năng thuyết trình đến thuyết trình một cách trôi chảy, gây ấn tượng)
» What (3 yếu tố tập luyện trong thuyết trình).
– Giới thiệu khóa huấn luyện Public Speaking.[/gdlr_styled_box]