“Kỷ luật bản thân” hay “tự kỷ luật” (Self discipline) là chắc chắn là một trong những yếu tố must-have trong hành trang để đi trên con đường dẫn đến thành công của bạn. Nói như vậy để bạn sớm nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng này trước khi bạn bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về nó.
Và trong bài viết này, AYP sẽ chia sẻ rất sâu và chi tiết với bạn về toàn bộ những gì bạn cần biết về sự tự kỷ luật, đây giống như 1 cuốn cẩm nang mini, và hy vọng những thông tin giá trị trong bài này sẽ giúp đỡ nhiều cho bạn. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Đây là một bài viết thuộc bộ bài viết chia sẻ đầy đủ nhất về thói quen chủ động, một thói quen quan trọng giúp bạn thay đổi cuộc sống, nếu bạn đang tìm hiểu về cách phát triển bản thân, đừng bỏ qua bài viết này nhé! |
Vì bài viết chia sẻ sâu nên tương đối dài, hãy theo dõi mục lục để tìm đến nội dung bạn cần nhé, chúc bạn có trải nghiệm đọc vui vẻ và thú vị!
Kỷ luật bản thân là gì? Định nghĩa về sự tự kỷ luật
Bạn đã bao giờ tự hỏi điều gì tạo nên sự khác biệt giữa những người thành công và những người chưa đạt được mục tiêu của mình? Câu trả lời nằm ở 4 từ: kỷ luật bản thân.
Kỷ luật bản thân, cách gọi khác là tự kỷ luật, là năng lực kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính mình. Đó là sức mạnh giúp bạn vượt qua cám dỗ, khó khăn để hướng tới mục tiêu lớn lao hơn. Tưởng tượng bạn đang phải chọn giữa việc xem một bộ phim Hàn hấp dẫn hay học bài cho kỳ thi sắp tới. Kỷ luật bản thân là thứ giúp bạn tắt TV và mở sách ra.
Nhưng đừng nhầm lẫn. Kỷ luật bản thân không phải là sự ép buộc hay tự trừng phạt. Nó cũng không đồng nghĩa với việc bạn phải trở nên hoàn hảo. Thay vào đó, đó là quá trình dài hơi của việc rèn luyện, nỗ lực để vượt qua những thói quen cũ và tạo ra những thay đổi tích cực.
Kỷ luật bản thân xuất hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống:
- Trong công việc, nó giúp bạn tập trung và đạt hiệu suất cao.
- Trong học tập, nó thúc đẩy bạn kiên trì và vượt qua thử thách.
- Trong cuộc sống cá nhân, nó giúp bạn duy trì lối sống lành mạnh và các mối quan hệ tốt đẹp.
Bạn có thể tự hỏi: “Liệu tôi có thể rèn luyện kỷ luật bản thân không?“. Câu trả lời là có! Kỷ luật bản thân không phải tài năng bẩm sinh, nó là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng có thể học và phát triển. AYP sẽ dần hé lộ thêm những thông tin thú vị ở những phần tiếp theo, cùng theo sát nào!
Khám phá 4 cấp độ của sự tự kỷ luật
Cấp độ 1: Động lực và ý chí
Đây là cấp độ dễ đạt được nhất, nhưng cũng dễ mất đi nhanh nhất. Bạn có nhớ cảm giác hừng hực khi quyết định tập gym sau khi xem một video truyền cảm hứng không? Đó chính là động lực ở cấp độ 1.
Nhưng hãy cẩn thận! Nếu không có mục tiêu rõ ràng và động lực đủ mạnh, tự kỷ luật ở cấp độ này giống như sợi chỉ mỏng manh, dễ đứt khi gặp phải cản trở nhỏ nhất. Cũng như ví dụ tập gym trên, liệu bạn có thể duy trì việc tập gym được mấy ngày nếu chỉ lấy động lực từ một video đó?
Vậy bạn cần gì để vượt qua cấp độ này? Đó là mục tiêu rõ ràng cùng một ý chí vững vàng và mạnh mẽ.
Cấp độ 2: Kỷ luật và lịch trình
Ở cấp độ này, bạn bắt đầu nghiêm túc hơn với mục tiêu rõ ràng và dùng ý chí để vượt qua cám dỗ nhất thời nhằm hoàn thành mục tiêu. Ví dụ, bạn đặt mục tiêu đọc sách 30 phút mỗi ngày và mang sách bên mình để tranh thủ đọc bất cứ khi nào rảnh. Bạn đặt mục tiêu tập gym 3 buổi mỗi tuần và dù mệt mỏi, bạn vẫn tới phòng tập chạy bộ ít nhất 15 phút.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào ý chí cá nhân là không đủ vì bạn vẫn dễ bị tác động bởi môi trường và cảm xúc nhất thời. Do đó, mục tiêu của bạn cần linh hoạt và đổi mới thông minh theo thời gian. Hãy điều chỉnh các mục tiêu khi bạn cảm thấy điều đó là cần thiết và tạo ra hệ thống thưởng phạt hợp lý để duy trì động lực và biến chúng thành thói quen.
Cấp độ 3: Thói quen
Đây là cấp độ của sự nhất quán khi mọi thứ bắt đầu trở nên tự nhiên, nơi mà các hành động của bạn trở nên đều đặn và dễ dàng như đánh răng mỗi ngày.
Bạn không còn đọc sách vì mục tiêu đọc bao nhiêu phút hay bao nhiêu cuốn, mà là để luôn cập nhật kiến thức mới mỗi ngày. Bạn không tập thể dục để đánh dấu số buổi tập hay giảm bao nhiêu kg, mà để duy trì năng lượng và sức khỏe.
Như Jack Canfield đã nói: “Your habits will determine your future” (Thói quen của bạn sẽ quyết định tương lai của bạn). Bạn càng tạo ra nhiều thói quen tốt, cuộc sống của bạn càng trở nên tốt đẹp hơn.
Cấp độ 4: Căn tính
Đây là cấp độ cao nhất của sự tự kỷ luật, khi một thói quen nào đó trở thành bản sắc của chính bạn, là một phần hòa hợp bên trong con người bạn.
Từ những năm 1960, các chuyên gia đã chỉ ra quy luật 21/90: cần 21 ngày duy trì liên tục để tạo một thói quen mới, và 90 ngày để nó trở thành một cách sống. Ở cấp độ này, bạn làm mọi việc không cần động lực hay mục tiêu đo đếm cụ thể, mà đơn giản vì đó là bạn.
Ví dụ, bạn đọc sách vì bạn là say mê với việc đọc. Bạn tập thể dục vì bạn là người yêu thích thể thao và vận động. Khi việc gì đó trở thành căn tính của bạn, bạn sẽ thực hiện nó một cách tự nhiên.
Hiểu và áp dụng bốn cấp độ này sẽ giúp bạn rèn luyện và nâng cao khả năng tự kỷ luật, từ đó đạt được nhiều thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
9 đặc điểm của người có tinh thần kỷ luật bản thân
Kỷ luật bản thân không chỉ đơn thuần là tuân theo một kế hoạch đã được định trước. Đây là một quá trình dài rèn luyện, đòi hỏi bạn phải nỗ lực để chống lại những dục vọng và thói quen tiêu cực của bản thân. Một người có kỷ luật bản thân tốt thường có một vài trong số 9 đặc điểm sau:
Xác định mục tiêu rõ ràng
Người có kỷ luật bản thân luôn xác định được mục tiêu sống rõ ràng. Họ biết mình muốn gì, làm thế nào để đạt được điều đó và luôn nỗ lực hướng tới những mục tiêu đó. Việc có mục tiêu cụ thể giúp họ giữ vững phương hướng và không bị lạc lối.
Kiên trì, không bỏ cuộc
Tính kỷ luật chỉ được hình thành khi một người luôn cố gắng theo đuổi mục tiêu, không bỏ cuộc trước bất kỳ khó khăn hay thử thách nào. Kiên trì là yếu tố then chốt giúp họ tuân thủ các quy tắc và giới hạn mà bản thân đã thiết lập, dù điều đó đôi khi rất khó khăn.
Tự kiểm soát
Khả năng tự kiểm soát là đặc điểm quan trọng của kỷ luật bản thân. Người có kỷ luật biết cách kiềm chế ham muốn, giữ bình tĩnh trước những tình huống áp lực và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Họ không để cảm xúc chi phối hành động mà luôn duy trì sự tỉnh táo.
Gạt bỏ cám dỗ
Một người thường xuyên bị các yếu tố bên ngoài tác động, cám dỗ sẽ khó có kỷ luật bản thân tốt. Do đó, người có kỷ luật bản thân luôn biết cách quyết tâm gạt bỏ cám dỗ và bám sát mục tiêu. Họ buộc mình phải tránh xa những tác động tiêu cực khiến bản thân xao nhãng và mất tập trung.
Lặp lại một công việc, nhiệm vụ
Để hình thành nên tính kỷ luật, cần phải lặp đi lặp lại một công việc trong một khoảng thời gian cho đến khi trở thành thói quen. Những công việc như chạy bộ, tập yoga, học tiếng Anh đòi hỏi phải thực hiện đều đặn để trở thành một phần tự nhiên của cuộc sống, không cần đến động lực thúc đẩy.
Tự nhận thức
Tự nhận thức là nền tảng của kỷ luật bản thân. Mỗi cá nhân cần hiểu rõ việc mình đang làm, xác định hành vi và biểu hiện tốt nhất mục tiêu của mình. Việc tự phân tích và thấu hiểu bản thân giúp họ đặt ra và tuân theo kỷ luật một cách hiệu quả.
» Bạn có thể tham khảo bài viết chia sẻ toàn diện về tự nhận thức bản thân của AYP để tìm hiểu chi tiết hơn nhé!
Nhận thức có ý thức
Người có kỷ luật bản thân luôn nhận thức rõ ràng về hành vi của mình. Họ biết mình đang làm gì, đúng hay sai, và thời gian thực hiện ra sao. Nhận thức này giúp họ tránh lặp lại những hành vi không tuân thủ kỷ luật và cải thiện hành vi trong tương lai.
Tính can đảm và sự quyết tâm
Tính kỷ luật đòi hỏi sự can đảm và quyết tâm, đặc biệt khi đối mặt với những thử thách và yếu tố khách quan tác động. Người có kỷ luật biết cách đối mặt với khó khăn, không nản lòng và luôn duy trì quyết tâm hoàn thành mục tiêu.
Biết cách hướng dẫn bản thân
Khi gặp tình huống khó khăn, người có kỷ luật bản thân tự khuyến khích và trấn an mình. Họ nhắc nhở bản thân về mục tiêu và giữ vững lòng can đảm, quyết tâm duy trì nhận thức và hành động đúng đắn.
5 lợi ích của tinh thần tự kỷ luật
Có rất nhiều lợi ích mà bạn sẽ nhận được từ sự tự kỷ luật, nhưng trong bài này, chúng ta sẽ chỉ nêu ra 5 lợi ích nổi bật nhất để tiếp thêm động lực rèn luyện sự tự kỷ luật cho bạn:
- Đạt được mục tiêu dài hạn: Kỷ luật bản thân là chìa khóa để biến những giấc mơ thành hiện thực. Nó giúp bạn vượt qua cám dỗ của sự hài lòng tức thì và tập trung vào mục tiêu lớn hơn. Nhà nghiên cứu Angela Duckworth nói: “Kỷ luật bản thân mang lại niềm đam mê và sự kiên trì đối với các mục tiêu dài hạn”.
- Nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin: Mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và tự hào về bản thân. Kỷ luật giúp bạn kiểm soát cuộc sống, xây dựng sự tự tin và thúc đẩy bạn đảm nhận nhiều thách thức hơn.
- Tăng năng suất và hiệu quả công việc: Kỷ luật bản thân giúp bạn kiểm soát những cám dỗ và sự xao nhãng. Khi bạn tập trung vào công việc và chống lại sự phân tâm, năng suất của bạn sẽ tăng vọt. Công việc hoàn thành nhanh hơn, hiệu quả hơn.
- Cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần: Với kỷ luật bản thân, bạn học cách kiểm soát cảm xúc và duy trì lối sống lành mạnh. Bạn trở nên kiên cường hơn trước những thách thức, ít bị stress và trầm cảm hơn. Một nghiên cứu của Đại học Osaka chỉ ra rằng, ngay cả người trên 80 tuổi, nếu duy trì 5 thói quen lành mạnh trở lên, tuổi thọ cũng được cải thiện đáng kể.
- Xây dựng uy tín và sự tin tưởng: Trong công việc và cuộc sống, kỷ luật bản thân giúp bạn luôn đúng hẹn, hoàn thành công việc đúng thời hạn. Điều này xây dựng uy tín của bạn trong mắt đồng nghiệp, cấp trên và những người xung quanh. Bạn sẽ được tin tưởng giao phó những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Những rào cản phổ biến đối khiến bạn khó kỷ luật bản thân
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình luôn thất bại trong việc duy trì kỷ luật bản thân? Đừng lo, bạn không đơn độc đâu. Hãy cùng khám phá những rào cản phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp phải nhé:
- Thiếu mục tiêu rõ ràng: Bạn có biết mình muốn gì không? Nếu không có mục tiêu cụ thể, làm sao bạn biết mình cần kỷ luật để đạt được điều gì? Hãy dành thời gian để xác định mục tiêu của bạn. Bạn muốn đạt được gì trong 6 tháng tới? Còn 1 năm tới thì sao?
- Trì hoãn và lười biếng: “Để mai tôi sẽ bắt đầu.” Câu nói này có quen thuộc với bạn không? Trì hoãn là kẻ thù số một của kỷ luật bản thân. Mỗi khi bạn trì hoãn, bạn đang tự cho phép mình phá vỡ kỷ luật. Thử thách bản thân: Hôm nay bạn có thể làm được gì ngay bây giờ?
- Thiếu động lực: Có bao giờ bạn cảm thấy uể oải, không muốn làm gì cả? Đó là khi bạn thiếu động lực. Nhưng hãy nhớ, động lực không phải lúc nào cũng có sẵn. Kỷ luật bản thân chính là việc hành động ngay cả khi bạn không có hứng thú. Hãy nghĩ về lý do tại sao bạn bắt đầu. Điều gì thúc đẩy bạn?
- Môi trường xung quanh: Bạn có đang sống trong một môi trường hỗ trợ việc kỷ luật bản thân không? Những người xung quanh bạn có ủng hộ mục tiêu của bạn không? Môi trường có thể tạo ra hoặc phá vỡ thói quen của bạn. Hãy nhìn xung quanh và tự hỏi: Có điều gì bạn cần thay đổi trong môi trường của mình không?
- Sợ thất bại: Bạn có sợ thử những điều mới vì sợ thất bại không? Nỗi sợ này có thể ngăn cản bạn bắt đầu hoặc tiếp tục con đường kỷ luật bản thân. Hãy nhớ rằng, thất bại là một phần của quá trình học hỏi và phát triển. Thử thách bản thân: Hãy nghĩ về một lần bạn học được điều gì đó từ thất bại.
- Thiếu kiên nhẫn: Bạn có muốn kết quả ngay lập tức không? Rất tiếc, kỷ luật bản thân đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Kết quả sẽ không đến trong một sớm một chiều. Hãy tự hỏi: Bạn có sẵn sàng kiên trì trong bao lâu để đạt được mục tiêu của mình?
Nhận ra những rào cản này là bước đầu tiên để vượt qua chúng. Hãy nhớ rằng, mỗi người đều có những thách thức riêng trong hành trình kỷ luật bản thân. Câu hỏi quan trọng là: Bạn sẽ làm gì để vượt qua những rào cản của mình?
AYP đã có một bài viết vô cùng hay, sâu sắc và chi tiết về thói quen trì hoãn và cách khắc phục. Đừng bỏ lỡ nếu bạn đang tìm kiếm phương pháp khắc phục sự trì hoãn của bản thân nhé! |
Từng bước khiến cho bản thân trở nên tự kỷ luật (Bạn có thể áp dụng ngay hôm nay!)
Bạn đã sẵn sàng bắt đầu hành trình tự kỷ luật chưa? Hãy cùng AYP thực hiện từng bước sau đây và chúng tôi tin rằng bạn hoàn toàn có thể nhanh chóng ứng dụng vào cuộc sống của mình ngay hôm nay!
1. Chấp nhận bản thân
Trước khi bắt đầu, bạn hãy nhìn vào gương và mỉm cười và tự đặt câu hỏi: “Tôi là ai ngay bây giờ?”
Bạn là một người đang cố gắng trở nên tốt hơn. Hãy chấp nhận rằng bản thân mình vẫn chưa hoàn thiện. Ai cũng vậy cả. Bạn sẽ có những ngày thất bại, nhưng điều quan trọng là bạn không từ bỏ.
Hãy nhớ, tự kỷ luật là một hành trình, không phải đích đến. Và bạn sẽ nhận những phần thưởng xứng đáng ngay trên hành trình này, bạn đi càng xa bạn sẽ nhận được càng nhiều quả ngọt.
2. Xác định mục tiêu cụ thể
Bây giờ, bạn hãy lấy một tờ giấy và viết ra 1 mục tiêu duy nhất bạn muốn đạt được trong tháng tới. Hãy nghĩ đến điều mà thực sự có ý nghĩa nhất với bạn trong thời điểm này, và chỉ bắt đầu bằng 1 mục tiêu thôi nhé!
Lưu ý nhỏ là bạn hãy viết ra mục tiêu thật cụ thể. Thay vì “ăn uống lành mạnh hơn”, hãy viết “ăn salad 3 lần một tuần vào buổi tối”. Bạn đã viết xong chưa? Hãy dán tờ giấy này ở nơi bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày. Đó sẽ là lời nhắc nhở thường xuyên về cam kết của bạn.
3. Bắt đầu từ những việc nhỏ
Đừng vội vàng thay đổi cả cuộc đời chỉ trong một ngày. Đó là điều gần như không thể đối với bất cứ ai trên hành tinh này.
Do đó, hãy bắt đầu với những thói quen nhỏ. Ví dụ bạn muốn ngủ sớm và dậy sớm hơn? Hãy đi ngủ sớm hơn 5 phút và đặt báo thức sớm hơn 5 phút mỗi ngày. Sau một tuần, bạn sẽ dậy sớm hơn 35 phút so với trước đây.
Ở những bước đầu bạn chỉ thấy mình tiến bộ từng chút, nhưng chỉ cần sau 1 thời gian ngắn bạn chắc chắn sẽ thấy một sự thay đổi rõ rệt.
4. Loại bỏ cám dỗ
Bạn hãy nhìn xung quanh phòng mình một lượt và đánh giá xem có thứ gì khiến bạn dễ xao nhãng hay không? Điện thoại? TV? iPad? Hay đồ ăn vặt?
Hãy dành ra 5 phút để nhanh chóng dọn dẹp chúng trước khi bạn bắt tay vào học tập hoặc làm việc. Cất điện thoại và các đồ dùng gây xao nhãng vào ngăn kéo, tắt TV, vứt đồ ăn vặt,… Bạn vừa tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho sự tập trung và kỷ luật của mình đấy.
5. Sử dụng quy tắc 2 giây
Trước khi làm bất cứ điều gì, bạn hãy chậm lại 2 giây để đặt câu hỏi này bản thân: “Điều này có giúp mình đạt được mục tiêu không?”. Nếu câu trả lời là không thì bạn nên cân nhắc lại.
Quy tắc 2 giây này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn trong mọi quyết định, nên nói không ngoa thì nó là chìa khóa hữu ích giúp bạn xây dựng kỷ luật bền vững hơn.
6. Tạo thói quen mới
Hãy nhìn lại cuộc sống của mình một lượt và chọn một thói quen tốt bạn muốn xây dựng nhất ngay vào lúc này. Đó có thể là đọc sách 15 phút mỗi tối, đi bộ 10 phút mỗi sáng, uống đủ 2 lít nước, ăn táo mỗi buổi sáng,…
Bước tiếp theo, bạn hãy liên kết thói quen này với một hành động bạn làm hàng ngày, ví dụ như “sau khi đánh răng, tôi sẽ ăn một trái táo”. Bạn hãy lặp lại câu này mỗi ngày để ghi nhớ và thực hiện nó. Kiên trì trong khoảng thời gian 21 ngày bạn sẽ biến nó thành một thói quen nhưng cũng sẽ nhận được không ít giá trị từ đó đấy.
7. Theo dõi tiến độ
Bạn nên tạo ra một bảng theo dõi đơn giản, có thể là trong sổ tay, ứng dụng Excel / Google Sheet, hoặc các phần mềm theo dõi thói quen trên điện thoại.
Nếu mỗi ngày bạn thực hiện được được điều mà bạn đã đặt ra, hãy ghi nhận lại một lần thực hiện đó. Sau một vài ngày liên tục bạn nhìn thấy chuỗi “thành tích” dài dần thì khả năng rất rất cao nó sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho bạn. Bạn sẽ không muốn phá vỡ chuỗi thành tích này đâu!
8. Tìm người đồng hành
Bạn có ai đó cùng chí hướng không? Nếu có thì đừng ngần ngại rủ họ tham gia cùng bạn trong hành trình này. Hãy chia sẻ mục tiêu và tiến độ của nhau, khích lệ và động viên nhau, theo dõi và cố gắng đồng hành cùng người bạn đó.
Khi có người cùng bạn phấn đấu, bạn sẽ có trách nhiệm hơn với cam kết của mình. Hơn nữa, hai người cùng cố gắng sẽ tạo ra động lực gấp đôi đó!
9. Thưởng cho bản thân
Mỗi khi đạt được một cột mốc, hãy chủ động thưởng cho bản thân nhé! Đó có thể là một bộ phim mà bạn yêu thích, một bữa ăn ngon tại một quán ăn quen thuộc, hay đơn giản là 60 phút đi gội đầu thư giãn.
Phần thưởng sẽ tạo ra cảm giác hài lòng và khiến bộ não nhanh chóng liên kết việc tự kỷ luật với những cảm xúc tích cực. Từ đó chúng sẽ ít kháng cự và dễ dàng giúp bạn thực hiện hoạt động trong những lần tiếp theo. Đây là một phương pháp rất quan trọng sẽ giúp bạn duy trì động lực lâu dài.
10. Kiên trì và kiên nhẫn
Nhớ rằng, Rome không thể xây dựng trong một ngày và kỷ luật bản thân cũng vậy. Sẽ có những ngày khó khăn khiến bạn cảm thấy nản lòng. Những lúc như vậy hãy nhìn lại con đường bạn đã đi qua và so sánh bản thân hôm nay với ngày đầu tiên. Chắc chắn là bạn đã tiến bộ rất nhiều rồi đấy!
Cũng như một câu nói rất hay rằng: “Trước khi bạn bỏ cuộc, hãy nghĩ đến lý mà bạn bắt đầu”, chỉ cần bạn nhìn lại, bạn sẽ thấy mình đã rất giỏi và nỗ lực đến mức nào. Điều đó chắc chắn là động lực vô cùng to lớn để bạn bước tiếp. Cố lên bạn nhé!
Bạn thấy đấy, tự kỷ luật không phải là điều gì đó xa vời. Nó bắt đầu từ những bước nhỏ, những quyết định hàng ngày. Hãy bắt đầu ngay hôm nay, và bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mình có thể đạt được sau một tháng, một năm, hay thậm chí cả đời!
Nội dung chính (Key Takeways)
- Kỷ luật bản thân là khả năng sử dụng ý chí để kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính mình trước những khó khăn, cám dỗ, thử thách để bước tiếp trên hành trình đến với những mục tiêu lớn lao hơn.
- Có 4 cấp độ tăng dần của sự tự kỷ luật là: động lực và ý chí, kỷ luật theo lịch trình, biến kỷ luật thành thói quen, biến thói quen thành căn tính.
- Đặc điểm của người có tinh thần tự kỷ luật là: kiên trì không bỏ cuộc, tự nhận thức về chính mình, tự kiểm soát tốt bản thân, gạt bỏ sự cám dỗ, can đảm và quyết tâm đến cùng.
- Kỷ luật bản thân có rất nhiều lợi ích nhưng đi kèm với đó là nhiều rào cản khiến chúng ta dễ bỏ cuộc. Điều quan trọng vẫn nằm ở chính ý chí của chúng ta, đừng trở thành con người yếu ớt ý chí bạn nhé!
Nếu bạn đang tìm kiếm môi trường thực hành kỹ năng tự nhận thức bản thân thì khóa học Awaken Your Power rất có thể là điều mà bạn đang tìm kiếm. Để chúng tôi giới thiệu rõ hơn 1 chút nhé!
Awaken Your Power là khóa học được thiết kế dựa trên 7 thói quen hiệu quả nhưng đã được học viện AYP tối ưu hơn nhiều để phù hợp nhất cho các bạn trẻ Việt. Chúng tôi tự hào vì khóa học này đã giúp hơn 20.000 học viên của AYP vượt qua những rào cản để tìm lại ý nghĩa cuộc sống và thành công theo định nghĩa của riêng mình. Hãy tìm hiểu và liên hệ để AYP tư vấn kỹ hơn cho bạn nhé! |
Thân mến,
Học viện AYP.