Thuyết trình là gì? Tìm hiểu chi tiết về thuyết trình trong giao tiếp
Thuyết trình là gì? Tầm quan trọng của kỹ năng này trong giao tiếp

Thuyết trình trước đám đông (Public Speaking) là gì?

Thuyết trình là hành động trình bày một chủ đề hoặc vấn đề cụ thể trước khán giả, đó có thể là một nhóm người hoặc một người với mục đích thông tin, giáo dục, thuyết phục hoặc giải trí. Trong một buổi thuyết trình, người thuyết trình sử dụng lời nói cùng với các công cụ hỗ trợ như hình ảnh, biểu đồ, slide, và video để truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và hiệu quả.

Không nhất thiết cứ phải thuyết trình trước nhiều người mới gọi là thuyết trình. Thuyết trình có thể diễn ra trước một nhóm nhỏ hoặc thậm chí chỉ một người. Điều quan trọng là người nghe hiểu và làm theo thông điệp bạn muốn truyền tải, khi đó bạn đã có một bài thuyết trình thành công.

Những tình huống thường dùng tới thuyết trình trước đám đông thường là trình bày báo cáo trong cuộc họp, chia sẻ kiến thức trong đội nhóm, trong một buổi hội thảo, hoặc đơn giản là bố mẹ nói chuyện với con cái về một chủ đề/ vấn đề cụ thể cũng được xem là một phần thuyết trình.

Vì sao thuyết trình lại quan trọng?

Giao tiếp là thứ diễn ra hằng ngày, nên việc trang bị cho mình kỹ năng thuyết trình là thứ không thể nào thiếu trong công việc, cuộc sống của bạn.

Lợi ích khi bạn trang bị kỹ năng thuyết trình:

  • Tăng sự tự tin: Khi có kỹ năng thuyết trình, bạn sẽ tự tin hơn khi đứng trước đám đông, giúp bạn diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc và thuyết phục.
  • Nhiều cơ hội mở ra trong công việc: Với phần trình bày, thuyết trình ấn tượng và thuyết phục, bạn có thể tạo ấn tượng mạnh với cấp trên và đồng nghiệp, từ đó mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc như ký được hợp đồng với khách hàng, nhận được dự án quan trọng của công ty,
  • Xây dựng uy tín: Nếu có kỹ năng thuyết trình, bạn sẽ dễ có được sự tin tưởng và coi trọng trong mắt người khác, bởi vì thẳng thắn đi hầu hết mọi người đều có thể nói, nhưng không phải ai cũng biết cách nói hay, và nói một cách thuyết phục.
Hiểu rõ về kỹ năng thuyết trong sẽ có được nhiều lợi thế khi giao tiếp
Hiểu rõ về kỹ năng thuyết trong sẽ có được nhiều lợi thế khi giao tiếp

Hậu quả khi bạn thiếu kỹ năng thuyết trình:

  • Mất cơ hội: Bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội quan trọng như thăng tiến hoặc nhận dự án mới nếu không thể thuyết phục người khác bằng phần chia sẻ của mình.
  • Gây hiểu lầm: Thông tin không rõ ràng và bị lạc đề khiến người nghe khó hiểu và dễ gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

3 kiểu thuyết trình phổ biến trong giao tiếp

  • Thuyết trình để bán hàng: Đây là loại thuyết trình nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ tới khách hàng tiềm năng. Mục tiêu là thuyết phục khách hàng về lợi ích của sản phẩm và kích thích họ đưa ra quyết định mua hàng.
  • Thuyết trình để chia sẻ về một chủ đề cụ thể:
    • Khi đi học: Thuyết trình bảo vệ luận văn, thuyết trình trong lớp học giúp học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, phân tích và trình bày ý tưởng.
    • Khi đi làm: Training nội bộ, đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm giúp nhân viên nắm bắt kiến thức mới và nâng cao hiệu quả làm việc.
  • Thuyết trình để báo cáo công việc:Loại thuyết trình này thường được sử dụng để cập nhật tiến độ công việc, hiệu suất và các vấn đề phát sinh liên quan đến một dự án hoặc công việc cụ thể. Đối tượng khán giả thường là quản lý, đồng nghiệp hoặc khách hàng.

 

Có nhiều kiểu thuyết trình nhưng chỉ có 3 kiểu phổ biến nhất
Có nhiều kiểu thuyết trình nhưng chỉ có 3 kiểu phổ biến nhất

Lỗi sai thường gặp khi thuyết trình

  • Ngữ điệu không trôi chảy, bị vấp

Đây là lỗi sai phổ biến rất nhiều người gặp khi tuyết trình. Khi đứng trước đám đông, cảm giác lo lắng có thể khiến giọng nói của bạn trở nên run rẩy, tốc độ nói không đều và dễ bị vấp.

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình nói mà lưỡi như líu lại, câu từ không ra đúng như ý muốn? Đó là lúc bạn đang để nỗi lo lắng chi phối, và ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn khi thuyết trình.

Hãy tưởng tượng, khi khán giả đang chờ đợi một thông điệp rõ ràng và bạn lại nói ngập ngừng, họ có còn kiên nhẫn và có thể tập trung vào nội dung bạn đang chia sẻ nữa không?

  • Nhìn kịch bản, giấy để đọc, không tương tác với khán giả

Tôi đã từng nhìn thấy có nhiều bạn bước lên thuyết trình chỉ cầm giấy đọc từ đầu đến cuối. Hoàn toàn không thu hút và khiến cho người nghe cảm thấy nhàm chán. Gần như khán giả sẽ không nghe những gì bạn nói khi làm hành động này.

Hành động này khiến người nghe cảm nhận được sự thiếu tự tin và thiếu chuẩn bị từ phía bạn (người nói). Họ cần được cảm nhận sự chân thành và sự tương tác của bạn khi thuyết trình.

  • Ngôn ngữ cơ thể mất kiểm soát, hoặc không có tính tương tác

Đứng im một chỗ như tượng hoặc di chuyển quá nhiều dẫn tới mất kiểm soát là dấu hiệu cho thấy bạn cần cải thiện ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể không chỉ là cử chỉ tay, mà còn là ánh mắt, nét mặt và cách bạn di chuyển. Nếu những yếu tố này không đồng bộ và không tương tác với khán giả, họ sẽ cảm thấy xa cách và không nhận được đúng thông điệp bạn muốn truyền đạt.

  • Nói quá nhanh hoặc quá chậm

Tốc độ nói là một yếu tố quan trọng trong thuyết trình. Nói quá nhanh có thể khiến khán giả không kịp theo dõi và hiểu được thông điệp của bạn. Bạn có bao giờ nhận ra mình nói như máy, không kịp thở và khán giả chỉ biết nhìn bạn mà chẳng hiểu chút gì từ bài chia sẻ vừa rồi? Ngược lại, nói quá chậm có thể khiến khán giả mất kiên nhẫn và không còn hứng thú. Nếu không biết cách sử dụng tốc độ phù hợp khi thuyết trình sẽ khiến bài nói của bạn kém thuyết phục hơn rất nhiều.

Cách xây dựng một bài thuyết trình thành công

Cách xây dựng cấu trúc bài thuyết trình ấn tượng

Một lời mở đầu ấn tượng, một nội dung hấp dẫn, logic và một phần kết bài trọn vẹn sẽ tạo ra ấn tượng rất tốt với khán giả. Trong một bài thuyết trình, bên cạnh nội dung chính, bạn còn cần để ý về phần Mở bài và phần Kết thúc bài thuyết trình.

Một phần mở đầu kém thu hút sẽ khiến người xem không lắng nghe trọn vẹn bài thuyết trình của bạn. Một phần kết thúc bài thuyết trình kém hiệu quả sẽ dễ khiến khán giả quên hết những chi tiết quan trọng trong bài nói của bạn.

Nội dung chính và cách sắp xếp logic

Nội dung bài thuyết trình cần được sắp xếp một cách logic và mạch lạc. Hãy chia bài thuyết trình thành các phần rõ ràng, mỗi phần tập trung vào một ý chính.

  • Xem thêm 5 cách phản xạ nhanh (khi không biết nói gì)

Ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu

Ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp. Trong một bài thuyết trình, nội dung chỉ chiếm 30% hiệu quả bài nói, 70% còn lại nằm ở ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể.

Nên nếu bài thuyết trình của bạn bạn có một nội dung hay nhưng cách bạn thể hiện không hấp dẫn và thu hút thì cũng không có được một phần chia sẻ hiệu quả

  • Xem thêm 3 cách sử dụng NGÔN NGỮ CƠ THỂ thu hút người nghe
  • Xem thêm 4 Bí Quyết Rèn Luyện Giọng Nói Thu Hút và Hấp Dẫn

Luyện tập, luyện tập, luyện tập – 1 bí quyết nền tảng để thuyết trình thu hút

Không ai sinh ra đã có thể thuyết trình hay và hấp dẫn. Để làm được điều đó đòi hỏi một quá trình tập luyện liên tục, liên tục không ngừng nghỉ.

Hành trình cải thiện kỹ năng thuyết trình từ Trainer Huỳnh Duy Khương

Luyện tập không ngừng chính là bí quyết giúp cải thiện kỹ năng thuyết trình nhanh nhất
Luyện tập không ngừng chính là bí quyết giúp cải thiện kỹ năng nhanh nhất

Không ai sinh ra đã có thể thuyết trình hay và hấp dẫn. Để làm được điều đó đòi hỏi một quá trình tập luyện liên tục, liên tục không ngừng nghỉ.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên làm MC cho học viện AYP. Tôi tham gia vào buổi chia sẻ của anh Trí, nhưng thứ khiến tôi ấn tượng nhất là bạn hoạt náo viên đầu giờ.

Đứng lên nhảy múa, kêu gọi mọi người lên tinh thần và năng lượng. Tôi được hấp dẫn bởi điều đó và đặt ra cho một mục tiêu:” Tôi muốn giống như vậy, muốn được năng động, đứng được trước đông người chia sẻ một cách mạnh dạn, tự tin”

Sau đó, tôi đã chủ động tới gặp ban tổ chức xin được tham gia làm MC của chương trình và nhờ bạn MC cũ hướng dẫn lại cho mình. Trong suốt 1 tháng sau đó, mỗi ngày tôi đều dành ra 2 tiếng tập luyện liên tục chỉ để có cơ hội xuất hiện trên sân khấu 5-10 phút.

Tôi nhờ bạn cùng phòng nghe và góp ý. Thậm chí, nhờ cả người yêu và ba mẹ ngồi liên tục mấy tiếng đồng hồ chỉ để nghe bài nói 5 phút của tôi.

Cho đến ngày diễn ra chương trình, trước khi lên sân khấu, tôi cực kỳ hồi hộp và trong lòng chỉ ước buổi hôm đó được hoãn lại. Thậm chí còn có ý định bỏ trốn khỏi đó.

Nhưng tôi nói với mình: “Làm đi Khương! Cho dù có lỡ quên giữa chừng hay nói sai, hoặc khán giả có chọi dép, ném đá…thì vẫn phải làm! Đã chuẩn bị rất kỹ rồi, không được từ bỏ!” Và cuối cùng… tôi làm được chuyện đó!

Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc làm MC trước trường Đại học Kiến trúc TP. HCM, trong khán phòng có hơn 350 người. Từ khoảnh khắc đó, nó đã mở ra cả một chặng hành trình tiếp theo trong con đường, sự nghiệp của tôi sau này.

Cho nên, hãy tập luyện liên tục cho mỗi bài nói của bạn. Và dưới đây là 3 gợi ý để giúp bạn tập luyện được tốt hơn:

5 cách giúp bạn tập luyện đạt hiệu quả cao trong thuyết trình

  • Tự quay video: Giống như quay vlog vậy. Hãy quay lại bài thuyết trình của bạn và sau đó tự đánh giá những điểm làm tốt, điểm cần cải thiện.
  • Luyện tập trước người thân, bạn bè: Hãy luyện tập trước người thân, bạn bè để nhận được những góp ý thực tế nhất. Họ sẽ cho bạn những góc nhìn mà đôi khi chính bạn không nhận ra được. Bên cạnh đó, đây là bước giúp bạn có được sự tự tin hơn, vì bạn đã tập luyện trước người thật.
  • Chia nhỏ nội dung để luyện tập: Hãy chia bài thuyết trình thành các phần nhỏ và luyện tập từng phần một. Điều này giúp bạn nắm vững từng phần nội dung và dễ dàng kết nối chúng lại với nhau mạch lạc.
  • Tập luyện theo phương pháp 1:4: Nghĩa là 1 phút bài nói của bạn sẽ bằng gấp 4 lần thời gian tập luyện. Bài nói 10 phút cần tập luyện 40 phút, nếu dài hơn thì cứ nhân lên tiếp. Càng tập luyện kỹ bao nhiêu, bạn sẽ càng tự tin bấy nhiêu.
  • Hoàn thành hơn hoàn hảo: Những lần đầu tập luyện sẽ không thể hoàn hảo ngay lập tức. Hãy nỗ lực tập luyện liên tục và dần dần biến bài nói của bạn trở nên hoàn hảo hơn.

Kết luận

Thuyết trình là một kỹ năng quan trọng mà bất kỳ ai cũng nên rèn luyện. Bằng cách áp dụng các bí quyết và kỹ thuật đã được chia sẻ ở bài viết phía trên, bạn sẽ có thể thuyết trình một cách tự tin và hiệu quả hơn. Nếu bạn muốn nâng cao kỹ năng thuyết trình của mình, thì có thể tìm hiểu buổi Workshop Speaking with Purpose của tôi để có được hướng dẫn và chiến lược giao tiếp cụ thể hơn trong nhiều tình huống.