Bài viết này sẽ đi rất sâu vào lộ trình 10 bước vượt qua thói quen trì hoãn và AYP sẽ không chia sẻ dài dòng về định nghĩa, nguyên nhân hay hậu quả của thói quen này vì tất đã đều đã được chia sẻ tại bài viết Trì hoãn là gì? Tìm hiểu tường tận và 10 bước khắc phục.
Nếu bạn có hứng thú nghiên cứu về sự trì hoãn thì không nên bỏ qua bài viết này bởi vì AYP có 1 video rất hay chia sẻ sâu về căn nguyên của sự trì hoãn và cách để khắc phục, hy vọng video đó sẽ giúp ích cho bạn. Bây giờ chúng ta cùng bắt đầu!
Đây cũng là bài viết thuộc bộ bài viết chia sẻ Cẩm nang về tinh thần chủ động và 7 cách rèn luyện thói quen chủ động, nếu bạn đang tìm hiểu về cách phát triển bản thân, đừng bỏ qua bài viết này nhé!! |
10 bước vượt qua thói quen trì hoãn tiêu cực và biến nó thành tích cực
Sau đây là từng bước để bạn thực hành và dần loại bỏ đi thói quen trì hoãn tiêu cực và biến nó trở thành công cụ đắc lực để bạn ứng dụng cho cuộc sống trở nên tốt hơn.
GIAI ĐOẠN 1: TỰ NHẬN THỨC
1. Nhận diện và thừa nhận vấn đề
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần thành thật với chính mình. Hãy nhìn nhận rằng bạn đang có vấn đề với việc trì hoãn và nó đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Đừng tìm cách biện minh hay chối bỏ – chấp nhận thực tế là bước đầu tiên để thay đổi.
Tự nhận thức rất quan trọng là bởi, nó giúp bạn thực sự đối mặt với vấn đề, và chỉ khi đó kết hợp với sự quyết tâm thì bạn mới sẵn sàng tìm cách để giải quyết.
2. Xác định nguyên nhân gốc rễ
Trì hoãn tồn tại dưới rất nhiều dạng thức, và mỗi người đều có lý do riêng để trì hoãn. Có thể là do bạn sợ thất bại, thiếu động lực, hoặc đơn giản là chưa biết cách quản lý thời gian hiệu quả, cũng có thể là bạn đã quá bị thu hút bởi các nền tảng mạng xã hội hoặc thiết bị điện tử,…
Dù đó là gì, thì với mỗi lần bạn tự nhận thức được là bản thân đang trì hoãn, bạn hãy dành thời gian để tự phân tích và tìm ra nguyên nhân chính khiến bạn trì hoãn. Bạn nhớ công thức 5W-1H chứ? Hãy áp dụng nó để tự đặt câu hỏi và tìm cho ra câu trả lời. Hiểu được gốc rễ vấn đề sẽ giúp bạn giải quyết thói quen trì hoãn hiệu quả hơn.
3. Thực hành lòng trắc ẩn với bản thân
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người hay trì hoãn thường có xu hướng tự trách móc bản thân quá mức. Thay vì vậy, hãy thực hành lòng trắc ẩn với chính mình. Điều này không có nghĩa là bạn dung túng cho sự trì hoãn, mà là bạn thừa nhận rằng mình không hoàn hảo và có thể cải thiện.
Hãy đối xử với bản thân như cách bạn sẽ đối xử với một người bạn đang gặp khó khăn vậy. Một tư duy cởi mở và yêu thương bản thân sẽ là bước tạo đà rất tốt để bạn nhanh chóng thoát khỏi thói quen trì hoãn tiêu cực.
GIAI ĐOẠN 2: BẮT ĐẦU ĐIỀU CHỈNH LỐI SỐNG
4. Đặt ra mục tiêu rõ ràng và khả thi
Thay vì chỉ nghĩ mơ hồ “Tôi sẽ không trì hoãn nữa”, bạn hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể và có thể đo lường được. Ví dụ: “Tôi sẽ hoàn thành báo cáo trước 3 ngày so với deadline” hoặc “Tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa 30 phút mỗi buổi tối”. Những mục tiêu nhỏ và khả thi sẽ giúp bạn có động lực thực hiện hơn.
Hẳn là bạn đã từng nghe đến “đặt mục tiêu SMART”:
- S – Specific: Cụ thể
- M – Measurable: Có thể đo lường được
- A – Achievable: Có thể đạt được
- R – Relevant: Có liên quan / Có tính thực tế
- T – Time bound: Có giới hạn thời gian
5. Tạo kế hoạch chi tiết với timeline cụ thể
Sau khi có mục tiêu, bạn nên bắt tay vào xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết với timeline rõ ràng. Điều này giúp bạn biết chính xác mình cần làm gì, khi nào, bằng công cụ gì, cần sự trợ giúp từ ai,…
Ý nghĩa của việc có một kế hoạch hành động chính là để bạn có một tấm bản đồ chỉ dẫn để bạn bám vào và đi đúng hướng. Ở mỗi thời điểm, mỗi công đoạn bạn sẽ biết chính xác mình cần làm gì, do đó bạn sẽ giảm thiểu khả năng trì hoãn xuống mức thấp nhất.
Ở bước thứ 5 này, AYP gợi ý bạn có thể thực hiện như sau:
- Từ mục tiêu chia nhỏ chúng ra thành các giai đoạn và các bước cụ thể.
- Đặt deadline cho mỗi giai đoạn và mỗi bước.
- Sử dụng công cụ quản lý thời gian như lịch Google, Trello, hoặc sổ tay.
- Luôn kiểm tra xem xét lại tiến độ kế hoạch và điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh.
6. Chia nhỏ công việc
Một trong những lý do chính khiến chúng ta trì hoãn là vì công việc có vẻ quá lớn và phức tạp làm cho bạn có cảm giác quá tải hoặc bị ngợp. Do đó, bạn hãy học cách chia nhỏ công việc thành những phần nhỏ để dễ quản lý hơn.
Thay vì nghĩ “Tôi phải viết một bài luận 20 trang”, hãy chia nó thành các bước nhỏ như “Nghiên cứu 30 phút”, “Viết dàn ý”, “Viết phần mở đầu”,… Điều này sẽ giúp công việc trở nên ít đáng sợ hơn và dễ bắt tay vào làm hơn.
Một số gợi ý của AYP mà bạn có thể tham khảo và áp dụng ở bước này là:
- Liệt kê tất cả các bước cần thiết để hoàn thành công việc.
- Chia các bước thành nhiệm vụ nhỏ có thể hoàn thành trong 30 phút đến 1 giờ.
- Sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên.
- Bắt đầu với nhiệm vụ dễ nhất để tạo động lực.
- Sử dụng các công cụ quản lý công việc như Microsoft To-do, Trello,… để quản lý tất cả những đầu việc này tại 1 chỗ và có hệ thống.
7. Sử dụng kỹ thuật quản lý thời gian
Có nhiều kỹ thuật quản lý thời gian hiệu quả có thể giúp bạn khắc phục sự trì hoãn, nhưng một trong số đó phải nhắc đến chính là kỹ thuật Pomodoro. Đây là kỹ thuật tin rằng bạn đã nghe rất nhiều người chia sẻ rồi nhưng giá trị thực tế là không thể phủ nhận.
Có thể bạn đã từng áp dụng nhưng không thành công và bạn cho rằng công cụ này không đáng tin cậy. Tuy nhiên, thực tế thì có thể là bạn chưa áp dụng chúng đủ nhiều để thực sự thích nghi với phương thức này, hãy cho bản thân thêm một chút thời gian và một chút kiên nhẫn, biết đâu bạn sẽ có thể làm quen và thậm chí là làm chủ chúng.
Lời khuyên là bạn nên thử nhiều khung thời gian khác nhau để tìm ra khoảng thời gian thích hợp cho mình. Đừng quá cứng nhắc và phải luôn theo khuôn mẫu mặc định là làm việc tập trung trong 25 phút, sau đó nghỉ ngơi 5 phút, có thể là 30+5, 40+20, 45+15, 60+10. Hãy thử mọi thứ có thể để tìm ra thứ phù hợp với bạn.
AYP cũng muốn đưa ra một số phương pháp khác mà bạn có thể ứng dụng đồng thời để gia tăng hiệu quả của việc quản lý thời gian và bớt đi sự trì hoãn, đó là:
- Quy tắc 5 giây: Khi bạn muốn thực hiện một việc gì đó nhưng có động lực muốn làm thì hãy nhắm mắt và đếm từ 1 đến 5, đúng số 5 thì bạn bật dậy và làm ngay việc đó.
- Quy tắc 2 phút: Nếu một công việc chỉ mất dưới 2 phút để hoàn thành, hãy làm nó ngay lập tức thay vì trì hoãn.
- Quy tắc 5 phút: Mỗi khi cơn trì hoãn ập tới, bạn hãy cố gắng vượt qua chúng bằng việc dành 5 phút để bắt tay vào công việc. Mấu chốt ở đây, hãy luôn suy nghĩ rằng: “Chỉ mất 5 phút thôi”, và bạn sẽ nhanh chóng vào guồng công việc.
GIAI ĐOẠN 3: THAY ĐỔI TOÀN DIỆN
8. Tạo môi trường làm việc tích cực
Có một sự thật là môi trường xung quanh có sức ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và động lực làm việc của con người. Môi trường sẽ cho chúng ta cảm hứng, cũng như có những tác động đến tâm lý và cảm nhận của chúng ta mỗi khi bắt tay vào công việc.
Bạn hãy hình dung đơn giản thế này, bạn muốn vào phòng và ngồi vô bàn để học hoặc làm việc, nhưng trên bàn thì giấy bút ngổn ngang, ly nước tô chén vỏ bánh vẫn còn nằm nguyên đó, dưới sàn thì bụi bẩn làm nhám cả chân, quần áo thì vắt lên ghế. Với không gian như vậy thì liệu bạn có chút hứng khởi nào để bắt tay vào công việc không?
Do đó, bạn hãy nghiêm túc dành ra 1 chút thời gian để tạo nên một không gian làm việc gọn gàng, thoải mái và ít bị phân tâm. Loại bỏ những yếu tố gây mất tập trung như điện thoại, TV, sắp xếp sách vở giấy bút gọn lên kệ, quần áo treo đúng chỗ, nếu có đồ ăn thì cũng dọn xuống, lau lại bàn ghế 1 lượt,…
Nếu bạn đầu tư cho mình một môi trường tích cực như vậy thì chắc chắn điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng bắt đầu và duy trì công việc hơn. Ngoài ra, bạn sẽ còn hình thành nên một thói quen tích cực đó là dọn dẹp môi trường học tập làm việc để tiếp tục cho bạn thêm cảm hứng.
Bạn có thể tham khảo checklist sau đây để thiết kế lại không gian mới mẻ cho mình nhé.
- Dọn dẹp và sắp xếp bàn làm việc và xung quanh khu vực bàn làm việc gọn gàng.
- Loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng như TV, điện thoại, máy tính bảng,…
- Nếu phải dùng thiết bị điện tử thì hãy chuyển sang trạng thái im lặng hoặc tập trung để giảm thông báo.
- Tạo không khí thoải mái với ánh sáng, nhiệt độ phù hợp nhất với tinh thần làm việc.
- Trang trí không gian với những vật dụng truyền cảm hứng.
- Chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết trên bàn hoặc trong tầm tay để thuận tiện sử dụng.
- Chuẩn bị một bình nước để sẵn trên bàn để bổ sung nước và oxy cho não bộ.
9. Tìm ý nghĩa trong công việc
Một cách hiệu quả để khắc phục sự trì hoãn là tìm ra ý nghĩa sâu sắc của công việc bạn đang thực hiện. Điều này cực ký tốt cho tinh thần làm việc của bạn, bởi vì bạn sẽ tạo cho mình một nguồn động lực để thôi thúc bạn học tập và làm việc.
Hãy suy nghĩ về lợi ích trước mắt cũng như lợi ích lâu dài khi bạn hoàn thành công việc đầy đủ và đúng hạn, không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác. Nếu bạn có nghe đến 7 thói quen hiệu quả thì chắc bạn cũng biết thói quen số 2 chính là “Begin with the end in mind”, nghĩa là luôn bắt đầu công việc bằng một mục tiêu rõ ràng.
Đây là một thói quen cực kỳ tốt nếu bạn có thể luyện tập và ứng dụng cho mình, AYP tin rằng bạn sẽ rất nhanh vượt ra khỏi trạng thái trì hoãn và bắt đầu có hứng khởi để xắn tay áo và nhảy vào công việc.
Bạn hãy bắt đầu suy nghĩ về những điều này để có thể nhanh chóng tìm kiếm ra ý nghĩa cho công việc của mình:
- Hãy cố gắng tìm ra niềm vui và sự hân hoan khi bạn đang thực hiện công việc đó.
- Liên hệ công việc đang thực hiện với mục tiêu dài hạn cũng như ngắn hạn của bạn.
- Suy nghĩ về những lợi ích mà bạn sẽ nhận được khi hoàn thành công việc.
- Suy nghĩ đến cả những người có thể sẽ hưởng lợi từ công việc của bạn.
- Tìm ra mối liên kết giữa công việc bạn đang làm và sự phát triển cá nhân của bạn, liên tục suy nghĩ về sự liên kết đó và làm cho nó ngày càng thêm bền chặt.
10. Hãy tạo phần thưởng cho bản thân
Cuối cùng, đừng quên khen thưởng cho bản thân mỗi khi bạn hoàn thành một mục tiêu, dù là nhỏ nhất. Điều này sẽ tạo ra cảm giác tích cực và thúc đẩy bạn tiếp tục cố gắng, bởi vì phần thưởng luôn là thứ mà não bộ chúng ta mong muốn khi làm một việc gì đó.
Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn muốn duy trì thói quen trì hoãn đó là vì việc trì hoãn mang đến cho não bộ cảm giác thỏa mãn. Não con người bản chất là lười biếng vì chúng muốn tiết kiệm năng lượng (đó là cơ chế sinh tồn từ thời nguyên thủy), và việc trì hoãn tức là bạn đang tiết kiệm năng lượng cho não nên nó rất thích. |
Vậy thì chúng ta nên kích thích não bộ của mình bằng những phần thưởng hấp dẫn khác để thú hút sự chú ý của chúng, từ đó chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc điều động não bộ bắt tay vào thực hiện những công việc cần làm. Phần thưởng đó có thể là:
- Một ly nước cam mát lạnh chua chua ngọt ngọt
- 5 phút ra ngoài ban công hoặc cửa sổ hóng gió trời
- Tắm nước lạnh để thư giãn và làm mát cơ thể
- Lắng nghe một vài bài hát hoặc bản nhạc yêu thích
- Đọc 5 trang sách mà bạn đang dành thời gian để chinh phục
Có rất nhiều kiểu phần thưởng khác nhau, nhưng chung quy lại bạn vẫn nên tìm kiếm những phần thưởng lành mạnh để não bộ được thư giãn và tận hưởng. Đừng lướt điện thoại hay xem tin tức vì lúc đó não bộ bạn vẫn phải hoạt động để xử lý thông tin. Hãy nhớ bạn nhé!
Một góc nhìn khác về việc tạo phần thưởng cho bản thân đó là bạn đang trì hoãn sự ham muốn phần thưởng của não bộ, nhưng đây là sự trì hoãn tích cực. Và nếu bạn có thể khai thác triệt để thói quen trì hoãn tích cực thì AYP khẳng định là “không ai chơi lại bạn đâu”.
10 thói quen / gợi ý hỗ trợ quá trình khắc phục sự trì hoãn
1. Thói quen quản lý thời gian
Hãy hình dung bạn là một người thủ quỹ, thay vì quản lý tiền bạc thì bạn sẽ quan tâm đến thời gian của mình. Số vốn mà bạn quản lý là 24 hộp thời gian tương ứng với 24 giờ trong ngày. Mỗi chiếc hộp do bạn quyết định là chúng sẽ chứa những gì bên trong.
- Nếu bạn lựa chọn chơi game, nằm lướt điện thoại, xem phim, hóng drama,… thì 24 chiếc hộp sẽ được nhanh chóng lấp đầy bởi những điều đó.
- Nếu bạn lựa chọn học tập, làm việc, đọc sách, vận động, ăn uống dinh dưỡng,… thì 24 chiếc hộp sẽ được lấp đầy bởi những điều nêu trên.
Và dù là bạn làm gì thì khi một ngày kết thúc 24 chiếc hộp vẫn sẽ đóng lại, một ngày trôi đi và ngày mới lại đến. Thứ quan trọng duy nhất chính là cảm giác đọng lại trong bạn là sự mãn nguyện hay sự hối tiếc, tất cả đều phụ thuộc vào quyết định trước đó của bạn.
2. Hãy nhớ theo dõi tiến độ thay đổi
Theo dõi tiến độ qua thời gian sẽ giúp bạn nhận ra sự tiến bộ của mình và tiếp thêm động lực cho bạn trong quá trình khắc phục sự trì hoãn.
Bạn có thể sử dụng một cuốn sổ, ứng dụng trên điện thoại, Google Docs, hoặc bất kỳ phương pháp nào phù hợp để ghi lại những gì đã diễn ra, thành công và thách thức của bạn, suy nghĩ và cảm nhận của bạn.
Và bạn hãy định kỳ xem xét lại sự tiến bộ của mình để cân nhắc những điều chỉnh thích hợp cho kế hoạch phát triển của bạn.
3. Thói quen tuân thủ kế hoạch
Khi đã đặt ra mục tiêu cụ thể, bạn nên theo dõi sát sao quá trình thực hiện. Nếu phải nói là bạn bắt buộc phải đảm bảo mọi thứ diễn ra theo tuần tự kế hoạch đã lập ra từ trước thì không cần quá rập khuôn vì bạn chỉ mới bắt đầu. Điều bạn cần nhớ khi theo dõi quá trình chính là vì bạn cần ý thức được bạn đang có một kế hoạch cần phải theo sát. Đó là sự tự nhận thức.
Tất nhiên, bạn cũng cần có sự linh hoạt khi cần thiết để nhanh chóng sắp xếp lại lịch trình lại sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Bạn có thể cố gắng hoàn thành công việc trong ngày để buổi tối thư giãn hay sắp xếp những việc cần nhiều thời gian để hoàn thành vào thời điểm cụ thể,… Tất cả những điều đó phụ thuộc vào bản thân của bạn, miễn là bạn vẫn đang đi theo kế hoạch.
4. Luyện tập thói quen ghi chú
Mục đích của ghi chú là để hỗ trợ bạn trong việc theo dõi tiến độ kế hoạch thực hiện các mục tiêu. Việc này cũng đồng thời giúp bạn trở nên có trách nhiệm với chính mình hơn, vì các đầu mục công việc sẽ là những nhắc nhở thân thiết nhất với bạn. Ngoài ra, hoạt động này cũng đảm bảo bạn đang đi đúng hướng, tránh lãng phí thời gian.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, bạn hoàn toàn có thể ghi chú vào điện thoại và mở ra xem, chỉnh sửa bất cứ lúc nào. Một số ứng dụng ghi chú phổ biến mà AYP có thể giới thiệu với bạn như: Google Keep, Apple Note, Notion, Evernote, OneNote,…
Hơn nữa, bạn có thể kết hợp việc ghi chú cùng với to-do list để bạn có thể dễ dàng quản lý và nhanh chóng truy cập chúng tại một chỗ. Một vài ứng dụng vô cùng hữu ích mà bạn nên tham khảo và học cách sử dụng chính là Clickup, Lark, Notion, Evernote,…
5. Giới hạn thời gian cho mỗi công việc
Đặt giới hạn thời gian cho công việc là gì? Đó là việc bạn quy định sẵn với từng việc cụ thể bạn sẽ dành ra bao nhiêu thời gian để thực hiện.
Vậy nếu đã hết thời gian nhưng bạn vẫn chưa xong việc thì sao? Điều này sẽ tùy thuộc vào quy định do bạn đặt ra cho bản thân.
Có nhiều người đã ứng dụng phương pháp này theo cách như sau:
- Khi làm việc A, họ sẽ đặt ra thời gian cụ thể, ví dụ là 60 phút. Khi hết 60 phút, họ sẽ dừng việc A và chuyển sang việc B, hết thời gian của việc B thì chuyển sang việc C.
- Cho đến khi hết danh sách công việc thì họ sẽ quay lại với việc chưa làm xong và tiếp tục làm. Họ nhất quyết không dây dưa hay cố gắng làm cho xong rồi mới qua việc khác.
- Liệu họ có thấy tiếc việc không? Tất nhiên là có, nhưng chính cảm giác tiếc nuối đó là động lực giúp họ thực sự nghiêm túc và chuyên tâm thực hiện công việc nhanh hơn để công việc hoàn thành đúng giờ, và sự tiếc nuối đó không diễn ra nữa. Đây là một sự rèn luyện.
Đặt giới hạn thời gian cần hoàn thành cho công việc sẽ giúp bạn luôn quản lý được quỹ thời gian của mình. Bạn không nên hy sinh quá nhiều thời gian cho những công việc khác nằm ngoài kế hoạch nếu nó không thực sự cần thiết.
6. Luyện tập sự tự kỷ luật
Cùng với việc tự nhận thức, tự kỷ luật là một trong số những yếu tố bắt buộc phải có để bạn vượt qua thói quen trì hoãn. Tự kỷ luật sẽ là chiếc neo giữ bạn lại trong vòng xoáy của sự chây lì, là chiếc gậy giúp bạn chèo chống và bước qua khỏi cơn bão lười biếng.
Tự kỷ luật chắc chắn là một trong những phẩm chất đáng quý nhất giúp con người ta bước đến với sự thành công. Và AYP sớm thôi sẽ chia sẻ đến bạn một bài viết chi tiết hơn về sự tự kỷ luật, bạn hãy đón xem nhé! |
7. Học cách quản lý cảm xúc
Một trong những nguyên nhân sâu xa của thói quen trì hoãn là do chúng ta không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, cách tốt nhất là học cách quản lý cảm xúc. Một số phương pháp hữu hiệu bao gồm:
- Thiền định, yoga, tập thể dục sẽ giúp xua tan căng thẳng, mệt mỏi và tăng cường năng lượng tích cực trong bạn.
- Tập hít thở sâu: Khi bắt đầu cảm thấy căng thẳng, bạn hãy dừng lại và hít thở sâu khoảng 5-10 phút để đầu óc được thư giãn.
- Trò chuyện cùng người thân, bạn bè để được chia sẻ, lắng nghe lời khuyên.
- Hãy tử tế với chính mình, đừng đặt ra những kỳ vọng quá cao vì chúng sẽ gây áp lực không cần thiết cho bạn.
8. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Vượt qua thói quen trì hoãn không phải là một hành trình dễ dàng, trên hành trình đó bạn sẽ gặp rất rất nhiều khó khăn và trắc trở, và AYP tin rằng sẽ có nhiều lúc bạn sẽ muốn từ bỏ. Và những lúc như vậy điều mà bạn cần nhất chính là sự tiếp sức từ những người xung quanh bạn.
Hãy chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp về mục tiêu của bạn và những khó khăn mà bạn gặp phải trong việc khắc phục sự trì hoãn. Sự hỗ trợ và động viên từ người mà bạn yêu quý sẽ là sự hỗ trợ tốt nhất giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
9. Hãy đọc sách
Sách là một người thầy và là một người bạn đáng tin cậy, có những thể loại giúp bạn thư giãn, có những thể loại tiếp thêm cho bạn động lực, nhưng cũng có những đầu sách sẽ giúp bạn trực tiếp tháo gỡ vấn đề.
Và cuốn sách “Chấm dứt thói trì hoãn” chính là một trong số đó. Quyển sách này không phải theo kiểu lý thuyết suông hô hào hay nói đạo lý, đây là cuốn sách để bạn thực hành với những kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm “thân kinh bách chiến” của tác giả. Bạn hãy tìm hiểu thêm tại đây về cuốn sách nhé!
10. Dành thời gian để nghỉ trưa
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc dành khoảng 30 phút mỗi ngày để nghỉ trưa sẽ giúp cơ thể của bạn cảm thấy thoải mái, phấn chấn và đầy hứng khởi, điều đó sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn nhiều vào buổi chiều. Vậy nên, hãy tập thói quen nghỉ trưa 30 phút mỗi ngày bạn nhé.
Nội dung chính (Key Takeaways)
Sau đây AYP sẽ liệt kê lại những đầu mục chính trong lộ trình 10 bước vượt qua thói quen trì hoãn:
- Nhận diện và thừa nhận vấn đề
- Xác định nguyên nhân gốc rễ
- Thực hành lòng trắc ẩn với bản thân
- Đặt ra mục tiêu rõ ràng và khả thi
- Tạo kế hoạch chi tiết với timeline cụ thể
- Chia nhỏ công việc
- Sử dụng kỹ thuật quản lý thời gian
- Tạo môi trường làm việc tích cực
- Tìm ý nghĩa trong công việc
- Hãy tạo phần thưởng cho bản thân
Dưới đây là 10 gợi ý về những thói quen hoặc những điều sẽ hỗ trợ cho hành trình vượt qua thói quen trì hoãn của bạn:
- Thói quen quản lý thời gian
- Hãy nhớ theo dõi tiến độ thay đổi
- Thói quen tuân thủ kế hoạch
- Luyện tập thói quen ghi chú
- Giới hạn thời gian cho mỗi công việc
- Luyện tập sự tự kỷ luật
- Học cách quản lý cảm xúc
- Tìm kiếm sự hỗ trợ
- Hãy đọc sách
- Dành thời gian để nghỉ trưa
Trên đây là tổng hợp vô cùng chi tiết về lộ trình 10 bước vượt qua thói quen trì hoãn được AYP nghiên cứu và biên soạn ra cho bạn. Hãy cố gắng ứng dụng và thực hành lộ trình này để bạn có thể nhanh chóng bước qua được sự trì hoãn để bạn có thể tiến thêm một bước xa hơn trên con đường phát triển bản thân và thành công của bản thân.
Và nếu bạn đang tìm kiếm một môi trường để phát triển bản thân toàn diện thì đừng bỏ qua khóa học Awaken Your Power của học viện AYP nha. Hơn 15 năm qua, chúng tôi đã thành công phát triển khóa học này dựa trên 7 thói quen hiệu quả và giúp đỡ cho hơn 20.000 học viên vượt qua những rào cản để tìm lại ý nghĩa cuộc sống và thành công theo định nghĩa của riêng mình. Hãy tìm hiểu và liên hệ để AYP tư vấn hoàn toàn miễn phí cho bạn nhé! |
Thân mến,
Học viện AYP.