Trì hoãn là thói quen đang xuất hiện ở nhiều bạn trẻ làm kìm hãm sự phát triển của họ trong công việc và cuộc sống. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến người xung quanh.
Cùng Học viện AYP hiểu rõ hơn về thói quen trì hoãn và cách để vượt qua nhé!
Trì hoãn là gì?
Đây là quá trình con người có xu hướng làm chậm lại hoặc chưa muốn làm ngay một công việc cần phải làm, hoặc là phải đợi đến một khoảng thời gian sau đó mới bắt tay vào thực hiện.
Giáo sư tâm lý học Joseph Ferrari tại Đại học DePaul ở Chicago đã phát hiện có khoảng 20% người trưởng thành là người trì hoãn kinh niên. Thật bất ngờ vì con số này còn cao hơn người có chứng trầm cảm, ám ảnh, các cơn hoảng loạn và chứng nghiện rượu.
Sự trì hoãn kinh niên xuất hiện ở mọi đối tượng không phân biệt dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tuổi tác.
Nguyên nhân của thói quen trì hoãn
Trì hoãn thật ra là 1 hành vi phát sinh trong quá trình trưởng thành, chứ không phải bản chất tính cách của bất kỳ ai. Có nhiều bạn nghĩ rằng trì hoãn là bản chất của mình “tính mình hay trì hoãn, đợi đến sát nút mới làm, khó sửa lắm!”
Nhưng hãy nghĩ lại nào, nếu người yêu nói với bạn rằng “em/anh đi ra ngoài và mở cửa đi, em/anh có 1 món quà bất ngờ nè”. Vậy bạn có trì hoãn đi không? bạn sẽ không trì hoãn mà hành động ngay và luôn, đúng không?
Cho nên trì hoãn không phải là bản chất của bất cứ ai hết, chúng ta chỉ trì hoãn với 1 số việc nhất định mà thôi.
Khi 1 đứa trẻ sinh ra và bước vào cuộc đời này, chúng không hề trì hoãn. Đứa bé cần ăn ngay lập tức sẽ kêu gào la khóc để được ăn. Nó không trì hoãn, nó sẽ chăm chỉ để thức dậy đều đặn 2 tiếng đồng hồ/lần để đòi ăn và tuyệt đối không trì hoãn và lười biếng.
Bẩm sinh chúng ta không trì hoãn, hành vi này phát sinh trong quá trình chúng ta khôn lớn và trưởng thành.
Câu hỏi: Vậy 1 đứa trẻ mới sinh ra không trì hoãn và lười biếng thì phát sinh sự trì hoãn từ đâu? Dĩ nhiên mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng 1 “mẫu số chung” lớn nhất mà hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua, đó là “đi học” và “đi làm”.
Trì hoãn trong quá trình đi học
Khi còn bé, lúc chơi rượt bắt, coi tivi, xem hoạt hình, chơi game, chúng ta không trì hoãn. Chúng ta trở nên trì hoãn khi bắt đầu được đi học. Ở đây chúng ta sẽ không đánh giá việc đi học nhưng ngày hôm nay với cách tiếp cận của “giáo dục hàng loạt”, sẽ là vô lý nếu yêu cầu tất cả những đứa trẻ yêu thích tất cả môn học và tất cả các thầy cô dạy chúng.
Phải hoàn thành những môn học mà mình không thật sự hứng thú! Phải chịu đựng những thầy cô mà chúng không thật sự quý mến! 1 cách tự nhiên trong quá trình này, những đứa trẻ sẽ phát sinh ra cái hành vi chống đối, hay còn gọi là “trì hoãn”.
Trì hoãn trong quá trình đi làm
Nguyên nhân thứ 2 cho việc trì hoãn, chúng ta cảm nhận rõ hơn khi bắt đầu đi làm. Các bạn nhận ra là có những việc rất quan trọng, nó quyết định thu nhập cuối tháng của bạn, nó thậm chí là 1 việc bạn có hứng thú và tâm huyết nhưng các bạn vẫn trì hoãn!! Tại sao?
Bởi vì chúng ta sợ!
Các bạn ngại gọi điện thoại cho khách hàng vì các bạn sợ bị từ chối. Các bạn trì hoãn việc ngồi xuống bàn lại định hướng công việc với sếp vì các bạn sợ bị chỉ trích và đánh giá về năng lực của mình. Các bạn trì hoãn việc tiến tới những mối quan hệ sâu sắc hơn trong tình cảm vì các bạn sợ những trách nhiệm.
Nỗi sợ này xuất phát từ những tổn thương, thất bại trong quá khứ, và nó sinh ra những hành vi trì hoãn trong trách nhiệm, trong công việc, cuộc sống và mối quan hệ.
Bạn có thể xem thêm video phân tích về “nỗi sợ” của anh Nguyễn Hữu Trí để hiểu và biết cách kiểm soát nỗi sợ của mình nhé!
Làm sao vượt qua được thói quen trì hoãn?
Để loại bỏ sự trì hoãn thật sự không dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể.
Bạn hãy thử bắt đầu những điều dưới đây và quan sát mình để nhìn thấy sự thay đổi từng ngày nhé!
Khoan dung hơn với bản thân
Người trì hoãn thường sẽ tự làm khó mình, cảm giác tội lỗi khi làm người khác thất vọng vì sự trì hoãn của mình. Điều này chỉ làm tâm lý bạn bị nặng nề hơn. Do đó, hãy khoan dung hơn với bản thân đối xử tử tế và thấu hiểu để tạo tiền đề khắc phục thói quen xấu trì hoãn trong công việc.
Nhận định rõ ràng ý nghĩa của công việc đang thực hiện
Nhận định được rõ ràng ý nghĩa của công việc mà bạn đang thực hiện sẽ giúp bạn khắc phục sự trì hoãn. Ghi ra lý do công việc đó lại quan trọng, lợi ích khi thực hiện cũng như hậu quả khi trì hoãn. Làm như vậy sẽ giúp bạn luôn gắn bó hơn với công việc và hạn chế được việc trì hoãn hơn.
Lựa chọn những công việc phù hợp
Một số người luôn thích chọn những công việc khó khăn để thể hiện bản thân. Tuy nhiên, công việc dạng này đòi hỏi bạn phải tốn nhiều thời gian và công sức thì mới có thể hoàn thành. Nếu không có đủ quyết tâm, lâu dần sẽ khiến bạn có tâm lý bị ảnh hưởng. Do đó, hãy bắt đầu với những công việc phù hợp, hoàn thành nó để có động lực và kinh nghiệm cho các công việc khó hơn.
Tự thưởng khi hoàn thành công việc
Sau khi hoàn thành một công việc theo đúng lịch trình. Bạn hãy tự thưởng cho bản thân mình bằng một món ăn yêu thích hay một món quà. Điều này giúp chúng ta có thêm động lực để tránh sự trì hoãn.
“Việc hôm nay chớ để ngày mai” là câu tục ngữ mà ông cha ta đã truyền lại từ lâu đời, ngụ ý muốn nhắc nhở thói quen trì hoãn công việc là một hành động không tốt. Hãy lập cho mình một kế hoạch hành động cụ thể, thói quen này sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả công việc và các vấn đề sức khỏe.
Học viện AYP mong bài viết này hữu ích cho bạn trong quá trình thay đổi và nâng cấp bản thân.
Nếu bạn có bất kì khó khăn nào trong hành trình thay đổi thói quen của bản thân và cần một môi trường rèn luyện, một sự đồng hành hỗ trợ chuyên sâu thì bạn có thể tìm hiểu chương trình Awaken Your Power – Nền tảng 7 thói quen của người hiệu quả.
Đây là chương trình học và rèn luyện trong 9 tuần được giảng dạy và dẫn dắt trực tiếp bởi anh Nguyễn Hữu Trí.