Trong CV gửi đến các nhà tuyển dụng hiện nay, mục tiêu nghề nghiệp là phần nội dung vô cùng quan trọng, bởi nó “phản chiếu” khả năng, tiềm năng cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai của ứng viên. Tuy nhiên, giới thiệu bản thân và miêu tả mục tiêu nghề nghiệp của bạn như thế nào để có cơ hội lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng lại không hề đơn giản. Theo dõi bài viết sau đây để có thể xác định và trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong CV một cách chuyên nghiệp nhé!
Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Thông thường, mỗi phần trong CV đều quan trọng và có những chức năng riêng trong việc “marketing” bản thân của ứng viên trước nhà tuyển dụng. Song, mục tiêu nghề nghiệp trong CV lại là một trong những yếu tố quyết định bạn có “tán đổ” được nhà tuyển dụng ngay từ vòng đầu tiên hay không? Vậy, mục tiêu nghề nghiệp là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp là phần nội dung trong CV mà ứng viên giới thiệu về định hướng, mục đích, kết quả mong muốn trong nghề nghiệp cũng như lộ trình vạch ra để thực hiện những điều đó. Nội dung này thường được chia thành 2 phần, bao gồm: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Thông qua mục tiêu nghề nghiệp trong CV, nhà tuyển dụng sẽ có cái nhìn hiểu rõ hơn về bạn, về định hướng công việc mong muốn và đánh giá mức độ phù hợp của bạn với doanh nghiệp, công ty. Từ đó, đưa ra quyết định bạn có vượt qua “bước đầu tiên” để đến với buổi phỏng vấn hay không.
(MỤC TIÊU SAI LẦM KHI ĐI PHỎNG VẤN | Nguyễn Hữu Trí)
Đừng quên 3 nguyên tắc sau nếu muốn viết mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng và chuyên nghiệp:
- KISS (Keep It Short and Simple): Giới hạn đoạn giới thiệu mục tiêu nghề nghiệp trong khoảng 150-200 chữ, cô đọng và súc tích nhất có thể.
- WIIFT (What’s In It For Them): Ứng viên cần cho nhà tuyển dụng thấy rằng mục tiêu mà bạn hướng đến trong tương lai “có tiếng nói chung” với mục tiêu của doanh nghiệp, công ty.
- Be Specific: Sẽ là điểm cộng nếu bạn thể hiện rõ ràng công việc và ngành nghề mà bạn đang theo đuổi khi viết mục tiêu nghề nghiệp.
Bạn có biết:
- Đừng sống không có mục tiêu, tham khảo 05 mục đích sống cho bản thân
- Không định hướng nghề nghiệp: 90% sinh viên hối tiếc
Xác định và trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong CV một cách chuyên nghiệp
Để phần giới thiệu bản thân và miêu tả mục tiêu nghề nghiệp của bạn trở nên logic, đầy đủ và có chiều sâu đối với nhà tuyển dụng, bạn cần phải ghi nhớ một nguyên tắc “mục tiêu ngắn hạn là bàn đạp cho mục tiêu dài hạn”.
Mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn

Mục tiêu ngắn hạn chính là những dự định, kế hoạch về công việc của ứng viên trong tương lai gần. Để đánh đúng vào tâm lý của nhà tuyển dụng, bạn có thể dựa vào yêu cầu của công ty đang tiến hành ứng tuyển khi viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn. Bởi khi đăng tin tuyển dụng nhân sự, họ đã thông báo cho bạn biết những điều doanh nghiệp, công ty họ mong muốn ở ứng viên. Từ đó, bạn có thể tìm hiểu, đưa ra cách mà bạn mang lại lợi ích cho họ.
Mục tiêu nghề nghiệp dài hạn
Nếu mục tiêu ngắn hạn là những kế hoạch mang tính vi mô thì mục tiêu dài hạn chính là những đích đến mang tính vĩ mô. Hay nói khác hơn đó là những dự định, mong muốn lớn, mang tính quyết định và ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp của bạn trong tương lai. Song song với nó là một lộ trình, hướng đi để ứng viên thực hiện được mục tiêu của mình.

Thông qua mục tiêu nghề nghiệp dài hạn, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được tầm nhìn và khát vọng của bạn, mong muốn và động cơ của bạn khi ứng tuyển vào doanh nghiệp, công ty. Vì vậy, để “ghi điểm” tuyệt đối, bạn nên trình bày những mục tiêu dài hạn phù hợp với mục tiêu chung của doanh nghiệp, công ty, đồng thời đưa ra điều mà bạn thấy sẽ giúp ích cho công ty trong tương lai.
Đọc thêm:
- 7 thói quen hiệu quả – cuốn sách không dành cho tất cả
- 8 kỹ năng mềm quan trọng giúp bạn trẻ tồn tại và thành công
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên mới ra trường
Chắn hẳn không ít các bạn sinh viên mới ra trường gặp khó khăn trong việc xác định và trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong CV. Đối với các bạn, mục tiêu ngắn hạn đã khó, mục tiêu dài hạn càng khó hơn. Bởi bản thân các bạn còn chưa xác định được mình sẽ làm gì trong tương lai. Nếu đang ở trong trường hợp này thì các bạn cũng đừng lo lắng quá, chúng tôi có cách để giúp các bạn viết mục tiêu nghề nghiệp hay và ấn tượng hơn.
Mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn
Đối với một sinh viên mới tốt nghiệp thì những mục tiêu ngắn hạn sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng bước qua vòng loại hồ sơ:
- Nắm vững kiến thức chuyên môn được đào tạo đồng thời tìm hiểu, bổ sung kiến thức thông qua thực tiễn để có thể tự tin hơn về bản thân.
- Tham gia các khóa học kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình,… để hoàn thiện và phát triển bản thân, phục vụ tốt nhất cho công việc sắp tới.
- Không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, Pháp, Nhật,… để có cơ hội học hỏi những điều mới lạ, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của công ty về ngoại ngữ.
- Làm việc tại một công ty để có cơ hội vận dụng những kiến thức đã được học, rèn luyện và phát triển bản thân trở lên năng động hơn, kỷ luật hơn và chuyên nghiệp hơn.
Mục tiêu nghề nghiệp dài hạn
Để có một mục tiêu nghề nghiệp dài hạn chuyên nghiệp và có “sức nặng” đối với nhà tuyển dụng, trước tiên các bạn sinh viên mới ra trường nên nghiên cứu kỹ về ngành học của mình và mong muốn về môi trường làm việc trong tương lai như thế nào để phù hợp với khả năng, sở thích, tính cách cũng như điều kiện của bạn. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần phải tìm hiểu về sứ mệnh và mục tiêu phát triển của công ty để đưa ra câu trả lời hay và phù hợp nhất.
Với những hướng dẫn xác định và trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong CV một cách chuyên nghiệp trên đây, chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn viết được một bản CV xin việc ấn tượng và mang đậm cá tính của riêng bạn. Ngoài ra, đính kèm một bản Cover Letter sẽ giúp CV của bạn đẹp hơn trong mắt nhà tuyển dụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chúc bạn thành công!
Có thể bạn quan tâm: KHÓA HỌC KỸ NĂNG MỀM Awaken YOUR POWER